Diễn đàn VNF

Môi trường kinh doanh và những ước mong cho năm 2019

(VNF) - So với những năm trước đây, Chính phủ đã rất quyết liệt, quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc đề ra và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy pháp triển doanh nghiệp, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2017 và năm 2018.

Môi trường kinh doanh và những ước mong cho năm 2019

Tại sao cải cách môi trường kinh doanh lại quan trọng?

Chất lượng môi trường thể chế cho doanh có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy hoặc kìm hãm hoạt động kinh doanh. Chất lượng môi trường kinh doanh yếu kém đang trở thành rào cản hành chính lớn, giảm tính cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh của nước ta đối với các nhà đầu tư; cản trở sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

Nói cách khác, chất lượng môi trường kinh doanh yếu kém tạo ra 5 nguy cơ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh, đó là: hạn chế gia nhập thị trường, rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo – hình thành chuỗi và làm gia tăng chi phí kinh doanh, tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ nhất, các quy định pháp luật đặt ra yêu cầu, điều kiện kinh doanh quá mức cần thiết, bất hợp lý sẽ là rào cản gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật có liên quan.

Thứ hai, các quy định đang tạo ra rào cản gia nhập thị trường đồng nghĩa tạo độc quyền và làm giảm cạnh tranh thị trường. Do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, một số quy định thường yêu cầu nhà đầu tư phải mua hàng hóa, dịch vụ của một đơn vị công lập hoặc được Nhà nước chỉ định, ví dụ điển hình là các yêu cầu phải được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước. Điều này tạo khó khăn cho doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ; tạo độc quyền.

Thứ ba, các quy định cứng nhắc, mô tả cụ thể phương thức hoạt động kinh doanh, can thiệp sâu vào phương thức kinh doanh sẽ làm giảm động lực hoặc triệt tiêu đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Điển hình là cácquy định bắt buộc doanh nghiệp phải kinh doanh theo một phương thức nhất định, phải sử dụng một loại công nghệ nhất định, phải thành lập một loại doanh nghiệp nhất định, mô tả chi tiết, cứng nhắc cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp không có không gian để đổi mới, sáng tạo, tạo ra nhu cầu mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn.

Thứ tư, các quy định đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết; đặt ra thủ tục, hồ sơ giấy tờ nhiều, bất hợp lý hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn kinh doanh thông thường sẽ tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; do đo, làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các chi phí mà doanh nghiệp phải gánh chịu là mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu quy định, tuân thủ thủ tục hành chính, tiếp xúc với cán bộ nhà nước để tham vấn hoặc tránh bị phạt.

Cuối cùng, quy định không rõ ràng, không tiên liệu được hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; góp phần tạo cơ hội nhũng nhiễu, chi phí phi chính thức. Giấy phép kinh doanh có thời hạn ngắn cũng khiến doanh nghiệp không thể đầu tư dài hạn, không đầu tư lớn.

Chính phủ đã rất quyết liệt 

So với những năm trước đây, Chính phủ đã rất quyết liệt, quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc đề ra và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy pháp triển doanh nghiệp, đặc biệt giai đoạn cuối năm 2017 và năm 2018.

Có thể điểm lại tên một số Nghị quyết đáng chú ý như: Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng;Nghị quyết 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, trong năm 2018 hàng chục Nghị định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ ban hành, theo đó đã bãi bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh các loại.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2018 được cải thiện 21 bậc so với năm 2015; trong đó, chỉ số Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc, Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc, Tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc, Cấp phép xây dựng tăng 1 bậc. Chỉ số hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016. Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2018 tăng 26 bậc so với năm 2014. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016; Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc.

Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; cơ chế kiểm tra theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp đã bước đầu được thực hiện trên một số lĩnh vực. Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77) nhưng điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4/12 trụ cột tăng điểm.

Năm 2018, chỉ số Đổi mới sáng tạo của nước ta được WIPO xếp vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, tăng 02 bậc so với năm 2017. Trong 5 năm gần đây, thứ hạng các trụ cột Đổi mới sáng tạo của Việt Nam có xu hướng cải thiện liên tục. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (30 nước), Việt Nam xếp thứ hai. Xếp hạng chung về Đổi mới sáng tạo của nước ta năm 2018 so với năm 2014 tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số thành phần tăng hạng. Trong đó, Thể chế tăng 43 bậc (từ vị trí 121/143 lên thứ 78/126); Nguồn nhân lực và nghiên cứu tăng 23 bậc (từ vị trí 89 lên vị trí 66); Cơ sở hạ tầng cải thiện 21 bậc (thứ 99 lên vị trí 78); Trình độ phát triển của thị trường tăng 59 (từ vị trí 92 lên thứ 33); Sản phẩm kiến thức và công nghệ tăng 14 bậc (từ thứ 49 lên vị trí 35); Sản phẩm sáng tạo cải thiện 12 bậc (từ thứ 58 lên thứ 46).

Ở một số địa phương, hầu hết các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của giám đốc các Sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được thực hiện ở cấp độ 4, tức là nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, chấp thuận và trả kết quả đều được thực hiện trong môi trường kết nối điện tử trực tuyến. Hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2018 tốt hơn so với trước.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (công bố tháng 3/2018), năm 2017, điểm số PCI đạt cao nhất trong 13 năm điều tra. Đó là sự thay đổi tích cực về chất lượng quản lý và điều hành của các địa phương.

Sự cải thiện này là rõ nét và khác biệt so với trước, và có tác động thực sự đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả PCI2017 cũng cho thấy những cải cách của các Bộ, ngành cũng đã được hiện thực hoá ở cấp địa phương. Ví dụ như thời gian tiếp cận điện năng, thời gian gián đoạn cung ứng điện giảm đáng kể; chi phí không chính thức, nhũng nhiễu đã hạn chế nhiều, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực.

Ước mong cho năm 2019

Bên cạnh những kết quả tích cực như nêu trên, thì thực thi các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp tư nhân vẫn còn một tồn tại, hạn chế; đặc biệt là chưa đạt đầy đủ muc tiêu như Chính phủ đã đề ra cũng như chưa đáp ứng nguyện vọng, đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo báo cáo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về kết quả thực thi Nghị quyết 19 dưới góc nhìn của doanh nghiệp (năm 2018) thì chỉ có 6 chỉ tiêu môi trường kinh doanh có tỷ lệ cao các doanh nghiệp (trên 50%) có đánh giá có sự cải thiện tốt hoặc rất tốt (đạt trên 50%), gồm: Khởi sự kinh doanh, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Tiếp cận tín dụng, Bảo hiểm xã hội. Các chỉ số còn lại cải thiện chậm và thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, dưới 50% tổng số doanh nghiệp có phản hồi. Với tinh thần năm mới 2019, tôi ước mong việc cải cách, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có thay đổi căn bản như sau.

Một là, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND và người đứng đầu các đơn vị, cơ quan có liên quan không chỉ tích cực mà sẽ chủ động, hơn nữa trong thực thi các nhiệm vụ được giao; sáng tạo hơn nữa trong tự kìm kiếm thêm các giải pháp mới ngoài các giải pháp mà Chính phủ giao.

Hai là, tinh thần, quyết tâm và nỗ lực cải cách đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; không còn tình trạng có nơi tích cực, chủ động còn nơi khác thì chần chừ, do dự.

Ba là, cải cách đi vào thực chất hơn; không còn tình trạng cải cách chỗ này thì mọc ra rào cản chỗ khác; mục tiêu và chỉ tiêu cải cách của Chính phủ sẽ đạt được đầy đủ trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo.

Cuối cùng, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng tích cực đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan báo chí tích cực và dũng cảm trong phản ánh khó khăn, vướng mắc và những rào cản, bất hợp lý cho hoạt động kinh doanh.

Tin mới lên