Tài chính

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, nâng triển vọng lên 'Tích cực'

(VNF) - Moody's xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, nâng triển vọng lên 'Tích cực'

Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, nâng triển vọng lên 'Tích cực'

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 18/3 đã xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

Triển vọng tích cực được đưa ra dựa trên các tín hiệu cải thiện sức mạnh tài khóa và tiềm năng về sức mạnh kinh tế, giúp củng cố hồ sơ tín dụng của Việt Nam. Sức mạnh tài khóa bền vững giúp cải thiện các chỉ số tài chính của Việt Nam, điều mà Moody's cho rằng sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn do đại dịch.

Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất, thương mại và tiêu dùng toàn cầu sau đại dịch.

Moody's cũng xác định các yếu tố khiến hãng này phải hạ triển vọng Việt Nam xuống "Tiêu cực" vào tháng 12/2019 đã được cải thiện. Theo đánh giá của Moody's, chính phủ Việt Nam đã tăng cường giám sát đối với các khoản thanh toán sắp đến hạn, đồng thời cho biết hãng sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ kịp thời.

Việc tái xác nhận xếp hạng Ba3 dựa trên đánh giá về một nền kinh tế lớn, đa dạng với tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng chống chịu với các cú sốc, đồng thời có khả năng nâng cao năng lực của hệ thống tài chính trong nước để tài trợ cho các khoản vay của Chính phủ Việt Nam với chi phí thấp. Ngược lại, rủi ro xuất phát từ những yếu kém trong quản trị liên quan đến sự thiếu minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

Cũng trong ngày 18/3, Bộ Tài chính đã họp trực tuyến về đánh giá xếp hạng tín nhiệm với hãng Moody’s.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà đã thông tin tổng quan về cập nhật tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam năm 2020; trao đổi về tình hình tài chính ngân sách, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; thông tin về chủ trương sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu dự kiến về kinh tế vĩ mô giai đoạn năm 2021 và 5 năm 2021-2025 của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, GDP của Việt Nam đạt 2,91%, nằm trong số 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tỷ lệ bội chi ngân sách và nợ công đều được kéo giảm xuống mức an toàn hơn, nhờ đó không gian tài khóa và dư địa chính sách được nâng lên đáng kể.

Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà cũng đã thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 -2020, trong đó có hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động thoái vốn, về sử dụng số thu từ cổ phần hóa thoái vốn.

Đề cập tới định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà đã thông tin một số nội dung về chủ trương phát triển của Việt Nam: phát triển nhanh dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân. Phát huy tối đa nhân tố con người, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách hướng vào nâng cao đời sống của người dân. Xây dựng cơ chế tự chủ, chủ động tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Cải thiện chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng chống chọi với tác động lớn, bất thường bên ngoài. Củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội.

Thông tin về các chỉ tiêu năm 2021 của Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu GDP là 6%; chỉ số CPI 4%; tốc độ tăng năng suất lao động ở mức 4,8%. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng 4% GDP, nợ công không quá 60% GDP.

Tin mới lên