Tài chính quốc tế

Moscow: Từ bỏ dầu Nga sẽ là hành động 'tự sát tập thể' đối với EU

(VNF) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) chịu áp lực của Mỹ và từ chối mua dầu Nga như một phần của quá trình chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 sẽ là hành động tự sát đối với các nước EU.

Moscow: Từ bỏ dầu Nga sẽ là hành động 'tự sát tập thể' đối với EU

Trong gói trừng phạt thứ sáu, EU đang xem xét khả năng cấm vận dầu mỏ Nga.

"Đó sẽ là một vụ tự sát thực sự của EU. Điều này phải được hiểu rõ. Chỉ có những người không có đầu óc tư duy mới làm vậy, trong khi tại EU rõ ràng là có giới chuyên gia. Và họ nhận thức rõ rằng đây là vụ tự sát tập thể", bà Zakharova nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 24/5.

Các nước EU đã liên tiếp đưa ra 5 gói trừng phạt nhằm vào Nga vì tình hình Ukraine. Trong gói thứ sáu sắp tới, EU đang xem xét khả năng cấm vận dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên cho tới nay khối 27 thành viên này vẫn chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu Nga, chủ yếu vì sự phản đối của Hungary.

Tờ Financial Times mới đây đưa tin Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gửi văn bản tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó nêu rõ rằng đất nước của ông không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt cho đến khi được cung cấp thêm thông tin chi tiết về nguồn tài trợ giúp Budapest trong trường hợp thôi nhập khẩu dầu dầu mỏ của Nga.

Ông cho biết "khó có khả năng đạt được thỏa thuận của EU về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga trong những ngày tới”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới đây lại có phát ngôn trái ngược. Ông cho biết EU có thể sẽ đạt được "bước đột phá" về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga "trong vòng vài ngày tới”.

Đức ban đầu cũng phản đối lệnh cấm vận dầu Nga, nhưng gần đây đã thay đổi quan điểm của mình trong bối cảnh áp lực từ các nước đồng minh tăng lên.

Trước đó, ông Robert Habeck bày tỏ thất vọng về việc EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sau các cuộc thảo luận kéo dài nhiều tuần qua và cho biết Đức sẵn sàng từ bỏ sự tham gia của Hungary để đẩy nhanh tiến trình.

Dù vậy, theo quy định của EU, để lệnh cấm có hiệu lực, EU cần sự nhất trí của 27 quốc gia thành viên.

Mới đây, khi được hỏi về lý do tại sao EU vẫn chưa áp lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye cho biết EU vẫn duy trì mua dầu của Nga nhằm ngăn Nga bán dầu thô cho những khách hàng khác với giá cao hơn, sau đó đầu tư khoản lợi nhuận này vào quỹ chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh EU cần cân bằng giữa việc khiến Nga tổn thương bằng các biện pháp trừng phạt và không làm tổn thương các thành viên của khối trong quá trình này.

Xem thêm >> Elon Musk mất gần 70 tỷ USD hậu tuyên bố ‘mua dứt’ Twitter

Tin mới lên