Tài chính

Một nửa cổ phiếu ESOP của PAN sắp về tay Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và CEO với giá bằng 35% thị giá

(VNF) - Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và CEO Nguyễn Thị Trà My đăng ký mua một nửa trong tổng số 3 triệu cổ phiếu ESOP mà PAN dự kiến phát hành sắp tới.

Một nửa cổ phiếu ESOP của PAN sắp về tay Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và CEO với giá bằng 35% thị giá

Một nửa cổ phiếu ESOP của PAN sắp về tay Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và CEO với giá bằng 35% thị giá

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) mới đây đã thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo đó, tổng lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 3 triệu đơn vị, tương đương 1,76% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Lượng cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong 2 năm đầu và 50% còn lại trong năm thứ 3 kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện là trong quý IV/2019 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Theo PAN, việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm bổ sung vốn lưu động, thu hút nhân sự có trình độ cao và tăng tính gắn bó của cán bộ nhân viên chủ chốt của công ty.

Song song, PAN cũng công bố việc phát hành dự kiến thực hiện ngay từ tuần sau, ngày 25/11 đến 2/12/2019.

Theo đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN đăng ký mua 831.000 cổ phiếu (tương đương 28% lượng cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành), nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 4.156.500 cổ phiếu.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đăng ký mua 666.000 cổ phiếu (tương đương 22% lượng cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành), nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 2.170.413 cổ phiếu.

Như vậy, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và CEO Nguyễn Thị Trà My đăng ký mua một nửa trong tổng số 3 triệu cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành.

Bên cạnh hai lãnh đạo cao nhất còn có 8 lãnh đạo khác của PAN, tuy nhiên, lượng đăng ký mua khá thấp, chỉ khoảng từ 5.000 đến 50.000 cổ phiếu.

Được biết, giá phát hành cổ phiếu ESOP của PAN dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 35% thị giá (chốt phiên gần nhất ở mức 28.750 đồng/cổ phiếu).

Hồi cuối năm 2018, ông Nguyễn Duy Hưng cũng từng mua tới 700.000 cổ phiếu trong tổng số 2,5 triệu cổ phiếu ESOP mà PAN phát hành, nghĩa là chiếm tới 28%.

Không chỉ PAN, trên cương vị là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng cũng từng mua vào lượng lớn cổ phiếu ESOP.

Cụ thể, cuối năm 2018, SSI phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP và 1/3 trong số đó là dành cho lãnh đạo. Người đăng ký mua khối lượng lớn nhất là ông Nguyễn Duy Hưng với 1,856 triệu cổ phiếu, bằng gần 1/5 tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Chuyện lãnh đạo mua phần lớn cổ phiếu ESOP với giá thấp hơn nhiều thị giá không phải lạ ở Việt Nam.

Hồi tháng 6/2019, gần 5,8 triệu cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan bắt đầu được phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Đáng chú ý, giá phát hành chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá MSN lên đến trên 80.000 đồng/cổ phiếu.

Đặc biệt hơn, gần 5,8 triệu cổ phiếu này được phát hành cho tối đa 25 người mà không có thời gian hạn chế chuyển nhượng. Nghĩa là 25 người này chỉ cần bỏ ra gần 58 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu MSN trị giá trên 460 tỷ đồng và có thể chốt lời ngay trên sàn, thu về mức lợi nhuận cỡ khoảng 400 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Masan phát hành ESOP với giá rất thấp cho một số lượng cán bộ công nhân viên rất hạn chế. Hồi năm 2013, tập đoàn này đã phát hành gần 17,9 triệu cổ phiếu ESOP cho chỉ 28 người cũng với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/10 thị giá thời điểm đó.

Năm ngoái, Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HoSE: AAA) đã phát hành 4 triệu cổ phiếu AAA cho chỉ vỏn vẹn 10 cán bộ công nhân viên. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá vào khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự như trường hợp của Masan, số cổ phiếu ESOP AAA phát hành không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng, đồng nghĩa 10 người cán bộ nhân viên trên có thể lập tức thu lời khoảng 70% bằng việc bán ngay trên sàn.

Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), cách đây 6 tháng cũng đã hoàn tất phát hành 22,67 triệu cổ phiếu ESOP cho một số tương đối hạn chế người lao động: 145 người (Novaland hiện có khoảng 1.500 người lao động). Trong đó, có 4,5 triệu cổ phiếu được tự do chuyển nhượng, còn lại 18,17 triệu cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/6 thị giá. Nghĩa là 145 người này bỏ ra 226 tỷ đồng sẽ sở hữu lượng cổ phiếu trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng 1/3 so với thị giá thời điểm đó.

Danh sách cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu ESOP là 125 người. Điều đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đã mua tới 3,21 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tới 43% lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Trường hợp tiêu biểu khác có thể kể đến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh mua vào tổng cộng hơn 16 triệu cổ phiếu ESOP hồi cuối năm 2018, bằng tới gần một nửa tổng lượng cổ phiếu ESOP phát hành.

Những trường hợp kể đến phần nào cho thấy bức tranh phát hành cổ phiếu ESOP tại Việt Nam, khi không ít nhân sự vừa là lãnh đạo công ty, vừa là cổ đông lớn của công ty lại chính là người nhận về lượng cổ phiếu ESOP lớn nhất.

Sự thiếu công bằng này khiến nhiều nhà đầu tư, cổ đông bức xức. Đến mức trên một diễn đàn lớn nhất tại Việt Nam về chứng khoán, các nhà đầu tư còn cùng nhau tập hợp danh sách hàng chục doanh nghiệp niêm yết phát hành ESOP để tẩy chay.

Thực tế, các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đa phần đều đã có cơ chế thưởng đặc biệt được đại hội đồng cổ đông thông qua theo tờ trình riêng. Không khó để hiểu được vì sao cổ đông, nhà đầu tư bức xúc vì họ vừa phải chi thưởng đặc biệt, vừa phải chịu thiệt do phát hành ESOP, trong khi một vài người cũng là cổ đông vừa được nhận thưởng đặc biệt, lại vừa được nhận lượng lớn cổ phiếu ESOP.

Tin mới lên