Diễn đàn VNF

'Một số doanh nghiệp cố tình định giá thấp để trục lợi từ cổ phần hóa'

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện CIEM, một số trường hợp cổ phần hóa trong thời gian vừa qua đã không tính đủ giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cố tình định giá thấp để trục lợi.

'Một số doanh nghiệp cố tình định giá thấp để trục lợi từ cổ phần hóa'

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện CIEM

Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc cổ phần hoá của Công ty Giày Sài Gòn và Hãng phim truyện Việt Nam. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là giá trị khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, khiến Nhà nước chỉ thu về số tiền thấp so với giá trị thực tế.

Về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm;

"Trước hết phải khẳng định cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đã, đang và vẫn sẽ là giải pháp chủ yếu, quan trọng nhất của tổng thể các giải pháp cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam.

Cho đến nay, Nhà nước hiện đã cổ phần hóa hơn 4.500 doanh nghiệp, góp phần giảm mạnh số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch về số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá qua các thời kỳ.

Chẳng hạn, giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2011 - 2015 là giai đoạn khó khăn, có nhiều yếu tố tác động xấu đến việc cổ phần hóa, nhưng vẫn đạt 93% kế hoạch số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước còn những mặt hạn chế, một số mục tiêu chưa đạt được như số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá nhiều nhưng giá trị vốn Nhà nước bán cho các nhà đầu tư còn thấp (hiện mới chỉ đạt gần 10%), chưa đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội vào doanh nghiệp.

Việc bán cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ sở hữu gặp khó khăn nên chưa đạt mục tiêu cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tính đến tháng 10/2017, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Nhà nước đã cổ phần hoá 20 doanh nghiệp. Dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành cổ phần hoá 38 doanh nghiệp (kế hoạch cả năm là 44 doanh nghiệp). Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị vốn nhà nước thu hồi để nộp ngân sách mới đạt chưa đến 20% kế hoạch trong cả năm.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, cho đến nay Nhà nước mới chỉ đạt yêu cầu về số lượng doanh nghiệp được cổ phần hoá, nhưng chất lượng cổ phần hoá còn thấp".

- Thưa ông, vậy ông có thể cho biết những nguyên nhân, vướng mắc khiến chất lượng cổ phần hoá còn thấp như hiện nay?

Thứ nhất, nguyên nhân khách quan là do thị trường tài chính, chứng khoán đã có khởi sắc nhưng cơ bản còn yếu. Do đó việc bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, về phía nguyên nhân chủ quan là do các quy định, thể chế về cổ phần hoá còn nhiều bất cập, gây ảnh ưởng trực tiếp đến tiến trình cổ phần hoá.

Cụ thể như việc định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính trước khi cổ phần hoá, quy định về bán cổ phần, quy định xác định giá cổ phần, thu hút cổ đông chiến lược, quy định về xử lý tài chính, xử lý các khoản nợ trong cổ phần hoá còn nhiều bất cập...

Một số doanh nghiệp Nhà nước chưa có sức hút về mặt kinh tế đối với các nhà đầu tư. Tỷ suất lợi nhuận chung của khối doanh nghiệp nhà nước không thấp, song phần lớn là tập trung ở một số tập đoàn lớn hiện nay chưa tiến hành cổ phần hoá. Các doanh nghiệp còn lại có lợi nhuận không cao. Do đó, đương nhiên về mặt ngắn hạn, các nhà đầu tư không đạt được mục tiêu lợi nhuận, về mặt dài hạn việc thu hút cổ đông chiến lược gặp nhiều vấn đề.

Cùng với đó là việc tổ chức thực hiện cổ phần hoá hiện nay chưa tốt, chưa quyết liệt, có hiện tượng doanh nghiệp không muốn cổ phần hoá do yếu tố lợi ích.

- Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc giá trị của một số doanh nghiệp khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, ông có nhận định như thế nào về thực trạng này?

Trong suốt quá trình cổ phần hóa từ năm 1992 đến nay, đúng là có hiện tượng một số trường hợp cổ phần hóa gây thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là các trường hợp có vị trí thuận lợi, thuộc khu "đất vàng".

Việc không tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng tài sản sở hữu toàn dân giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng (trước hết là đất đai...) đã làm giảm giá trị thực tế của vốn nhà nước, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, tạo cơ hội trục lợi cho một số đối tượng có liên quan.

Nguyên nhân của thực trạng này là do một số quy định còn chưa chặt chẽ, việc thực thi pháp luật chưa tốt dẫn đến tạo kẽ hở gây thất thoát.

Thứ nhất phải kể đến là quy định pháp luật về việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp rõ ràng là còn có nhiều bất cập. Theo đó, đất thuê trả tiền hằng năm không được đưa vào giá trị cổ phần hoá. Vì vậy, doanh nghiệp đã lách bằng cách lựa chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp được giao đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá đất tính theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định, không sát giá thị trường... Nhiều nơi thấp hơn đến 4, 5 lần so với giá thị trường. Ngoài ra, còn giá trị lợi thế cũng không được tính đúng tính đủ bởi các tổ chức định giá uy tín.

Thứ hai là quy định về giá trị thương hiệu. Theo Nghị định 59 năm 2011, Thông tư 127 của Bộ tài chính đã quy định hướng dẫn về cách xác định giá trị thương hiệu (trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại...).

Nhưng trên thực tế cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, giá trị thương hiệu không thể xác định, hoặc rất thấp, thậm chí bằng 0 do không xác định được chi phí xây dựng thương hiệu thực tế. Nhiều doanh nghiệp trước cổ phần hoá chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu hoặc không thực hiện kế toán chi phí này. Pháp luật cũng chưa quy định thống nhất và đầy đủ..

Thứ ba, trong triển khai thực hiện, nhiều trường hợp không thực hiện đúng phương án sản xuất kinh doanh sau chuyển đổi (trong có vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất) mà không bị xử lý. Có trường hợp được phép chuyển quyền sử dụng đất sau cổ phần hóa, nhưng cổ đông nhỏ và các bên có liên quan không nắm được thông tin...

Thực tế qua nhiều vụ việc cổ phần hoá trong thời gian vừa, có thể thấy rằng trong một số trường hợp, một số doanh nghiệp đã cố tình định giá thấp để trục lợi từ cổ phần hoá.

- Sau cổ phần hoá, không ít doanh nghiệp đã chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, xây văn phòng, cao ốc, thu lợi nhuận, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Ở đây là câu chuyện quản trị doanh nghiệp. Thực ra, trong phương án cổ phần hóa, thường thì không có một tổ chức hay cá nhân nào có thể nắm giữ sở hữu tuyệt đối của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, bằng nhiều cách, họ tiến hành thâu tóm cổ phần, biến doanh nghiệp cổ phần hoá thành công ty của một vài cổ đông lớn. Sau đó, họ mới thực hiện thay đổi hoạt động của doanh nghiệp, chuyển mục đích sử dụng tài sản, trong có quyền sử dụng đất, tạo nên hiện tượng mà nhiều người đã nói là biến tài sản chung thành tài sản riêng.

Dư luận bức xúc như trong thời gian vừa qua là khi mua cổ phần trong thời gian đầu họ không biết rằng đất này có được chuyển đổi mục đích sử dụng hay không, rất nhiều cổ đông chỉ đến khi cổ đông lớn công bố thì mới biết.

Đó là câu chuyện về tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp.

- Từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nắm giữ nhiều "đất vàng". Theo ông, Nhà nước cần có giải pháp như thế nào để quá trình cổ phần hoá được hiệu quả và thu hút được các nhà đầu tư chiến lược?

Thực ra, số lượng gần 140 doanh nghiệp cổ phần hoá không phải quá lớn. Năm 2005 đã từng cổ phần hoá gần 800 doanh nghiệp, 2014 là 180 doanh nghiệp, 2015 là 220 doanh nghiệp. Có thể dự báo chắc chắn rằng, sẽ hoàn thành chuyển 137 doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.

Vấn đề là phải nâng cao chất lượng và hoàn thành các mục tiêu khác của cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Muốn vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản như mở rộng diện doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần; giảm thiểu ngành nghề giới hạn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần.

Đa dạng hóa các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế, cổ phần hoá phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Đặc biệt phải nâng cao tính minh bạch của quá trình cổ phần hóa nói chung, định giá doanh nghiệp nói riêng cũng như xác định đúng giá trị vốn nhà nước nhằm tranh gây thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, quyền được giao đất, quyền được thuê đất.

Nhiều nhà đầu tư nước không tham gia mua cổ phần không phải vì giá bán cao hay thấp mà vì họ không đủ thông tin để tin tưởng rằng giá trị doanh nghiệp đã được xác định đúng theo nguyên tắc thị trường và minh bạch.

Như vậy, vấn đề ở đây không chỉ liên quan đến sửa đổi chính sách về cổ phần hóa mà còn có phạm vi rộng hơn, liên quan đến nhiều cải cách thể chế, pháp luật kinh doanh, đầu tư, đất đai, quy hoạch.

Tin mới lên