Tiêu điểm

Một tháng xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Xử lý 17.386 trường hợp, phạt tiền hơn 53 tỷ đồng

(VNF) - Sau một tháng triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 53 tỷ đồng.

Một tháng xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Xử lý 17.386 trường hợp, phạt tiền hơn 53 tỷ đồng

Đã có 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý sau 1 tháng.

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau 1 tháng triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã xử lý phát hiện xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 53 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như Thanh Hóa 970 trường hợp, Đắk Lắk 914 trường hợp, Tây Ninh 886 trường hợp, Bắc Giang 789 trường hợp, Đồng Nai 696 trường hợp, TP. HCM 672 trường hợp, Cà Mau 593 trường hợp, Gia Lai 534 trường hợp, Hà Nội 512 trường hợp, Bến Tre 505 trường hợp…

Đặc biệt, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở như TP. HCM 264 trường hợp, Cà Mau 257 trường hợp, Kiên Giang 212 trường hợp, Long An 195 trường hợp, Thanh Hóa và Tiền Giang 168 trường hợp…

Một số địa phương cũng đã tiến hành xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn như Đắk Lắk 26 trường hợp, Cà Mau 19 trường hợp, Tiền Giang 17 trường hợp, Tây Ninh 16 trường hợp, Kiên Giang 15 trường hợp, TP. HCM 13 trường hợp.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết đã chỉ đạo các lực lượng kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường.

"Trường hợp cố tình không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng khống chế đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định", vị này cho hay.

Liên quan đến việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành chỉ thị, trong đó yêu cầu các lực lượng xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn một cách nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm).

Theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính, mức cao nhất 600.000 đồng. Với lỗi này, tài xế ô tô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng; người lái xe máy bị phạt tới 8 triệu đồng. Mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe ô tô, xe máy tới 24 tháng.
Tin mới lên