Thị trường

Một tỉnh của Nhật đã có số doanh nghiệp chế biến chế tạo ngang ngửa toàn Việt Nam

(VNF) – Tỉnh Kanagawa của Nhật Bản có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo. Con số này tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, (75.000 doanh nghiệp năm 2017).

Một tỉnh của Nhật đã có số doanh nghiệp chế biến chế tạo ngang ngửa toàn Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất nhỏ bé.

Điều đáng nói, phần lớn trong số 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh Kanagawa là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Dù quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp này lại tham gia rất sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng rất cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Không chỉ ít về số lượng doanh nghiệp, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Bộ Công Thương đã cấp 23 giấy xác nhận ưu đãi thuộc các ngành dệt may, điện tử, ô tô, công nghệ cao và cơ khí nhưng phần lớn là các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ trình độ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để được hưởng ưu đãi theo qui định.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn..) rất ít doanh nghiệp gia công chính xác, đúc, gia công bề mặt và điện tử. Trong ngành dệt may, chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất.

Cũng theo báo cáo của Bộ, tình hình nhập siêu linh kiện, phụ tùng của Việt Nam còn rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là gần 45 tỷ USD, tăng hơn 14% so với 2015, chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc (gần 14 tỷ USD), Trung Quốc (hơn 12 tỷ USD).

Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng trong nhiều ngành công nghiệp cũng đang duy trì ở mức thấp. Cụ thể, ngành dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%; ngành da – giày chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là 10-20% (với ô tô dưới 9 chỗ); ngành điện tử tin học, viễn thông là 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao là 5%.

Theo Bộ, nguyên nhân của tình trạng trên là do dư địa để Chính phủ can thiệp bằng chính sách phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế đã tham gia.

Bên cạnh đó, dung lượng thị trường các sản phẩm có trình độ công nghệ phù hợp năng lực doanh nghiệp trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong khi phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ.

Một số lĩnh vực có dung lượng thị trường nội địa lớn thì các yêu cầu về trình độ công nghệ sản xuất cao và vốn đầu tư lớn khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ trình độ và năng lực để đáp ứng.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan tỏa, dẫn dắt nền công nghiệp.

"Yêu cầu về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng của các doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và doanh nghiệp nước ngoài vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra các doanh nghiệp này còn yêu cầu cả về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động...", Bộ Công Thương nhìn nhận.

Tin mới lên