Tiêu điểm

'Mức giảm đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể'

(VNF) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể.

'Mức giảm đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể'

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể.

Như VietnamFinance đã thông tin, tại phiên họp bất thường ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết của Chính phủ về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022, cụ thể: xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức 300 đồng/kg. Riêng dầu hỏa vẫn giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhất trí với nghị quyết, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong nghị quyết chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương có đưa ra vấn đề về cấu thành giá xăng dầu, ngoài thuế phí ra còn các chi phí khác, chi phí định mức tiêu hao.

Do đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cũng phải cân nhắc để xem các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu để có chính sách điều hành và tiếp tục giảm giá xăng dầu xuống.

Tại phiên họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị có thêm đánh giá tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến việc giảm giá xăng dầu trên thực tế. Bởi tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu so với các nước là thấp. Cho nên tác động của việc giảm thuế chưa chắc đã tác động lớn đến giảm giá. Ngoài ra, tác động đến ngân sách nhà nước cũng cần được xem xét.

Liên quan đến hiệu lực của nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng nghị quyết này có hiệu lực càng sớm càng tốt để có thể hỗ trợ ngay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cũng phụ thuộc vào điều hành nữa của Chính phủ. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nếu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo sớm hơn ngày 15/7 thì có thể lấy mốc có hiệu lực của nghị quyết từ kỳ điều hành tiếp theo; nếu kỳ điều hành giá của Chính phủ sau ngày 15/7 thì lấy ngày có hiệu lực của nghị quyết là từ ngày 15/7.

Có cùng quan điểm về việc nghị quyết này cần sớm có hiệu lực thi hành, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định cần thiết phải giảm thuế xăng, dầu để góp phần vào việc giảm giá xăng, dầu, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp và cho rằng để bảo đảm kịp thời thì nên quy định nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2022.

Tin mới lên