Tiêu điểm

Muốn thay đổi mô hình tăng trưởng phải tăng 'vốn con người'

(VNF) - “Mặc dù coi khoa học công nghệ là đột phá trong chiến lược phát triển nhưng chúng ta chưa làm được nhiều. Phải thừa nhận như vậy. Ai làm ra khoa học công nghệ? Chính là con người. Vì thế, Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện về giáo dục đào tạo”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói thẳng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Muốn thay đổi mô hình tăng trưởng phải tăng 'vốn con người'

Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam, ông Kyle Kelhofer khuyến nghị Việt Nam cần có Chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia/Ảnh minh hoạ

Một năm trước khi ông Nguyễn Văn Bình đưa ra thông điệp này, cũng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: ‘’Đất nước cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ, bởi lẽ những lợi thế của hôm nay sẽ không kéo dài trong tương lai”.

“Nếu không có nguồn nhân lực thì làm sao chúng ta có thể thay đổi mô hình tăng trưởng được?”, ông Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi để khẳng định một lần nữa gốc rễ của vấn đề nằm ở “nguồn vốn con người”.

“Vốn con người” còn mỏng

Theo ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam thì trong 3 năm tới, đóng góp của kỹ thuật số vào GDP sẽ tăng gấp 10 lần so với con số hiện nay là 6%. Nghĩa là tới năm 2021, kỹ thuật số sẽ đóng góp 60% GDP.

Cũng theo ông Trường, từ nay đến năm 2021: “Khoảng 26% kỹ năng của ngày hôm nay sẽ mất đi, nhu cầu về kỹ năng mới là xấp xỉ 27%. Chúng ta đang có hơn 20 triệu đối tượng cần được tào tạo kỹ năng mới”.

Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, chính phủ đã đề ra mục tiêu: “Phát triển mạnh lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày một cao”. Tuy nhiên, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC tại Campuchia, Lào và Việt Nam đã đưa ra con số khảo sát của tổ chức này cho thấy “chênh lệch về trình độ đã nới rộng chứ không thu hẹp”.

Cụ thể, ông Kyle Kelhofer cho biết, tại thời điểm khảo sát là quý I/2017 và quý I/2018, “chưa đến 20% lực lượng lao động hiện nay nay có trình độ chuyên môn, trong khi Việt Nam cần tạo thêm hơn 700.000 việc làm mới mỗi năm, chỉ để theo kịp tốc độ tăng của lực lượng lao động”.

Một mục tiêu khác trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là: “Tập trung vào đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc gia”. Thế nhưng, khi nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) phỏng vấn các nhà đầu tư trong quý II và quý III/2017 để thực hiện xây dựng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, các nhà đầu tư cho biết họ “không cảm nhận thấy sự cải thiện trong lĩnh vực này (cải cách giáo dục – PV), đồng thời cho biết có khoảng cách ngày càng tăng giữa cung và cầu về kỹ năng”.

Vì kỹ năng lao động còn thấp nên ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết “Mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay là khâu lắp ráp cuối cùng”.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam đầu tư cho con người

để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

"Cần chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia"

Trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút đầu tư giữa các nước Asean ngày càng gay gắt, Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam, ông Kyle Kelhofer khuyến nghị “Việt Nam cần khẩn trương có Chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia với xuất phát điểm là thực hiện khảo sát toàn diện cung cầu về kỹ năng”.

Theo ông Kyle Kelhofer, cho đến giữa năm 2018, “giá nhân công thấp” vẫn là yếu tố chính giúp Việt Nam thu hút nhà đầu tư. Ông Kyle Kelhofer khuyến nghị Việt Nam phải thay đổi thực trạng này, xác định “lao động trình độ cao” là yếu tố chính thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới.

Như vậy, Việt Nam mới có thể duy trì lợi thế cạnh tranh với các nước Asean và hiện thực mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hay xa hơn là chuyển đổi số nền kinh tế.

Là Tổng giám đốc quốc gia của hãng công nghệ hàng đầu thế giới tại Việt Nam – Microsoft, ông Phạm Tiến Trường khẳng định chuyển đổi số trước tiên phải xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Theo ông Trường, ở đây không chỉ là đào tạo về kỹ năng mà còn phải đào tạo về nhận thức cho người lao động.

Ông Trường cho biết, trong năm 2018, Microsoft đã chi khoảng 3 triệu USD để dạy 200.000 học sinh Việt Nam có thể lập trình được, nhưng so với con số hàng chục triệu học sinh hiện nay thì đó chỉ như muối bỏ bể.

“Microsoft cũng đưa nhiều giáo viên Việt Nam ra nước ngoài đào tạo. Có cô giáo ở Hưng Yên được đi học, được Microsoft cấp chứng chỉ là giáo viên của thời đại mới 4.0 nhưng khi về trường của mình thì cô không có đất dụng võ”, ông Trường chia sẻ.

Ví dụ của Micosoft cho thấy, nếu như không có một cuộc chuyển đổi đồng bộ trong giáo dục, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo thì nỗ lực của từng doanh nghiệp với chi phí có thể lên đến hàng triệu USD cũng trở nên vô nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, người đứng đầu đơn vị được chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, dự kiến ban hành trong năm 2019, cũng cho biết “Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực cho nền kinh tế số”.

“Để có nhân lực phục vụ chuyển đổi số nền kinh tế thì chúng ta phải đi 2 chân. Ở bậc học phổ thông, phải đưa tiếng anh và IT (công nghệ thông tin) vào chương trình bắt buộc. Đó là hướng đi lâu dài, là bước chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai. Còn trước mắt, với lực lượng lao động hiện tại, các trường đại học cao đẳng phải thúc đẩy quá trình đào tạo lại. Chỉ cần mất 6 tháng hay 1 năm để đào tạo những kỹ năng nghề quan trọng thôi. Sau đào tạo sẽ cấp chứng chỉ nghề”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Là người sử dụng lao động, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết rất kỳ vọng chính phủ phát triển được mạng lưới tái đào tạo như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng theo cấp số nhân như hiện nay thì những kỹ năng làm việc sẽ liên tục thay đổi và bị thay thế.

Nói như ông Ousmane Dione: “Năm 1999, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã dự đoán 65% học sinh tiểu học cuối cùng sẽ làm những công việc chưa hề được phát minh ra. Và năm ngoái, theo Dell Technologies, con số này đã tăng lên 85%. Chúng ta đang nhìn vào tương lai với nhiều loại hình công việc còn chưa được biết đến ở thời điểm hiện tại”.

Và vì thế, người lao động cần liên tục được trang bị đúng các kỹ năng cần thiết để vượt lên trên làn sóng công nghệ hiện nay.

Tin mới lên