Tài chính quốc tế

Mỹ đề xuất quỹ đại dịch mới, WHO ‘đòi’ nâng cao vai trò

(VNF) - “Các nỗ lực tăng cường an ninh y tế toàn cầu sẽ chỉ thành công nếu vai trò của WHO được nâng cao”, người đứng đầu cơ quan y tế thế giới bày tỏ quan điểm khi Washington - với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức - đã đề xuất một quỹ phòng chống đại dịch toàn cầu mới.

Mỹ đề xuất quỹ đại dịch mới, WHO ‘đòi’ nâng cao vai trò

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quan điểm trên được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo tài chính thuộc G20 diễn ra trực tuyến vào ngày 17/2.

Theo ông Tedros: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường quản trị, hệ thống và tài chính cho an ninh y tế toàn cầu chỉ có thể thành công nếu chúng cũng nâng cao vai trò của WHO”. Ý kiến này được coi như một lời từ chối thành lập quỹ chống đại dịch mới được đề xuất bởi Mỹ.

Trước đó, trong một cuộc họp cũng thuộc khuôn khổ G20, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen đã đề xuất hỗ trợ thành lập một quỹ mới tại Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai.

Đồng tình với bà Yellen, bộ trưởng bộ y tế Indonesia cũng đặt câu hỏi liệu WHO có phải là nơi tốt nhất để huy động vốn cho một quỹ y tế toàn cầu được yêu cầu cung cấp viện trợ khẩn cấp, bao gồm tiền, vắc xin và chẩn đoán, trong một đại dịch trong tương lai hay không.

“Chúng tôi không coi đây là một khoản tiền đứng yên chờ ứng phó với đại dịch tiếp theo”, thay vào đó, quỹ mới sẽ thúc đẩy đầu tư vào các hệ thống giám sát và phát hiện dịch bệnh nhằm chống lại các cuộc khủng hoảng có thể xảy đến, theo bà Yellen.

Bà Yellen cũng nói thêm rằng một “quỹ trung gian tài chính” mới dưới sự bảo trợ của WB sẽ giúp giải quyết những khoảng trống trong việc chuẩn bị cho các rủi ro mới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.

Đây không phải lần đầu tiên các quốc gia G20 đề xuất xây dựng thêm các quỹ hoặc tổ chức với chức năng tương tự như WHO nhưng để chuyên trách các vấn đề liên quan tới đại dịch.

Ngày 20/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ ý kiến về việc thành lập một cơ quan y tế toàn cầu mới khi quốc gia này giữ chức chủ tịch G20.

Tổng thống Joko cho biết cơ quan này sẽ tăng cường "khả năng phục hồi sức khỏe" của thế giới và giúp làm cho hệ thống y tế toàn cầu hòa nhập hơn và phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng, trong khi WHO cho thấy năng lực hạn chế để đối phó với đại dịch Covid-19 và “vai trò của WHO vẫn chưa bao hàm nhiều khía cạnh chiến lược đối với thế giới”.

Tuy vậy, tất cả các đề xuất được nêu ra hiện vẫn chưa được chấp thuận hoàn toàn. Phía WHO cũng đã nhiều lần ngầm phủ nhận các đề xuất này, đồng thời đề nghị nâng cao vai trò của tổ chức để giải quyết các vấn đề y tế trên thế giới.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Mỹ - Trung 'ăn miếng trả miếng' , Indonesia đòi thay WHO

Tin mới lên