Tài chính quốc tế

Mỹ-Hàn bất đồng sâu sắc vì ‘phí bảo vệ’ 5 tỷ USD

(VNF) - Cuộc đàm phán liên quan đến chi phí an ninh cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đã kết thúc sau chưa đầy hai tiếng diễn ra. Phái đoàn Mỹ đã đột ngột bỏ về trước sau khi Hàn Quốc từ chối trả gần 5 tỷ USD “phí bảo vệ”.

Mỹ-Hàn bất đồng sâu sắc vì ‘phí bảo vệ’ 5 tỷ USD

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc hôm nay (19/11) đã có cuộc đàm phán mới nhất tại Seoul liên quan đến chi phí an ninh cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Phái đoàn Hàn Quốc được dẫn đầu bởi Jeong Eun-bo, cựu phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính và cựu Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc. Ông là quan chức dân sự đầu tiên được Seoul bổ nhiệm cho các cuộc đàm phán chia sẻ kinh phí quân sự với Washington trong gần 30 năm qua.

Trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ là ông James DeHart, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh.

Theo dự kiến ban đầu, cuộc họp lẽ ra sẽ kéo dài từ 10h đến 17h chiều cùng ngày (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, đến 11h40, đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hai nước đã không thể đàm phán theo đúng lịch trình ban đầu và không đưa ra được thỏa thuận nào.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo thông tin cuộc thảo luận đã sụp đổ vì "phía Mỹ bỏ về trước".

Ông James DeHart, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh.

Cũng theo ông Eun-bo, phía Mỹ đề nghị lập thêm hạng mục chi phí mới và yêu cầu Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn. Ngược lại, Seoul tái khẳng định lập trường chỉ tăng mức đóng góp trong khuôn khổ hiệp định Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mà hai nước đã thỏa thuận trong suốt 28 năm qua.

“Quan điểm của chúng tôi là khoản phí nên nằm trong khuôn khổ SMA mà 2 bên đã cùng đồng thuận trong 28 năm qua. Mỹ tin rằng việc chia sẻ chi phí quốc phòng phải tăng mạnh bằng việc tạo ra một số hạng mục mới”, thông báo của cơ quan ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

Trong khi đó, trưởng đoàn Mỹ James DeHart nói Washington "cắt ngắn" cuộc họp để Seoul "có thời gian xem xét lại" thỏa thuận.

"Thật không may, các đề xuất phía Hàn Quốc đưa ra không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi về chia sẻ gánh nặng một cách công bằng và hợp lý", ông DeHart nói với các phóng viên tại Seoul sau cuộc đàm phán.

Trước đó, ông James DeHart đã đưa ra con số 4,7 tỷ USD trong cuộc gặp các quan chức quốc hội Hàn Quốc hôm 7/11 và khẳng định đây chỉ là một phần nhỏ trong chi phí quốc phòng được Washington bỏ ra, theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc.

Hiện có khoảng 25.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc cùng nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự khác nhau. Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tăng từ 1 tỷ USD năm 2019 lên 5 tỷ USD cho 2020, nhưng giới chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc nỗ lực thuyết phục ông hạ xuống còn 4,7 tỷ USD, theo CNN.

Các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc tiết lộ khoản tiền 4,7 tỷ USD được dùng để trang trải nhiều thứ từ cống thoát nước tại căn cứ quân sự, tập trận chung cho đến những chuyến bay của máy bay ném bom ở bán đảo Triều Tiên.

Việc tăng chi phí này khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc không hài lòng cũng như khiến các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa lo ngại, đồng thời vấp phải phản đối từ giới lãnh đạo Hàn Quốc.

Quan chức Hàn Quốc cho rằng chi tiêu quốc phòng phải được quốc hội nước này phê chuẩn. Khoản tiền Washington yêu cầu cao gấp 5 lần so với những năm trước và Seoul khó lòng đáp ứng được đòi hỏi này.

Xem thêm >> Mặc dù được ông Trump ‘giải cứu’, nông dân Mỹ vẫn khốn đốn vì thương chiến

 

Tin mới lên