Tài chính quốc tế

Mỹ kêu gọi các nước ‘cùng chí hướng’ lập liên minh đối phó Trung Quốc

(VNF) - Phát biểu trong chuyến thăm tới Anh ngày 21/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước “cùng chí hướng” lập liên minh toàn cầu đối phó Trung Quốc.

Mỹ kêu gọi các nước ‘cùng chí hướng’ lập liên minh đối phó Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bắt đầu chuyến công du châu Âu trong tuần này. Chuyến đi được cho là để gây sức ép lên các đồng minh EU của Mỹ, yêu cầu họ phải có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Tại điểm dừng chân đầu tiên ở thủ đô London của Anh, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp, đe dọa các nước láng giềng, che giấu thông tin về dại dịch Covid-19 để trục lợi.

"Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng một liên minh nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc và phối hợp để chống lại cách hành xử của Trung Quốc", ông Pompeo nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Pompeo cũng hoan nghênh quyết định mới đây của Anh khi tuyên bố cấm việc mua tất cả các thiết bị 5G của tập đoàn Huawei từ sau năm 2020, tiến tới loại bỏ tất cả các thiết bị của Huawei vào năm 2027.

Chính phủ Anh được cho là đã đề nghị Nhật Bản giúp xây dựng mạng 5G để không cần dựa vào Huawei. Anh đang có hai nhà cung cấp tiềm năng từ Nhật để thay thế Huawei là NEC Corp và Fujitsu Ltd, theo Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp ở London ngày 21/7.

Ở động thái liên quan mới nhất, phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại London, Anh, tổ chức ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu Hải quân vào khu vực để chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc và bán vũ khí cho Đài Loan.

Ông Esper cũng cho rằng Trung Quốc đã bắt nạt các đồng minh và đối tác của Washington tại Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ước tính lên tới 2.600 tỷ USD, bất chấp thế bố trí quân sự của Mỹ ngày càng tăng trong khu vực.

Lãnh đạo của Lầu Năm Góc khẳng định chính sách của Mỹ là bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó tất cả các nước đa dạng trong khu vực có thể sinh sống và phát triển thịnh vượng trong hòa bình, và đảm bảo rằng Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành một vùng ngoại lệ, hoặc đế chế trên biển của riêng nước này.

Mỹ-Trung thời gian gần đây đã leo thang căng thẳng trên mọi mặt trận, từ thương mại, đến công nghệ cao, an ninh, truyền thông, cách xử lý dịch Covid-19…

Bộ Thương mại Mỹ ngày 20/7 thông báo đã đưa thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì "có liên quan đến vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong việc thực thi chiến dịch trấn áp của Trung Quốc, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép, thu thập dữ liệu sinh trắc học và phân tích di truyền không tự nguyện”.

Đây là nhóm thứ 3, gồm các công ty, cá nhân và thực thể tại Trung Quốc, bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Cho tới nay, Mỹ đã đưa tổng cộng 48 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.

Lệnh trừng phạt sẽ cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ cùng những hàng hóa khác.

Xem thêm >> Tổng thống Trump chi mạnh tay cho chiến dịch tái tranh cử

Tin mới lên