Tài chính quốc tế

Mỹ kiên quyết không mua dầu Nga dù áp giá trần

(VNF) - Theo Nhà Trắng, Mỹ hiện đang có kế hoạch mua thêm dầu để bổ sung vào nguồn dự trữ chiến lược sau đợt giải phóng lớn năm nay, nhưng không định mua dầu của Nga dù đã giới hạn giá.

Mỹ kiên quyết không mua dầu Nga dù áp giá trần

Mỹ kiên quyết chặn nguồn thu nhập từ dầu mỏ của Nga bằng các lệnh trừng phạt và giới hạn giá.

Ngày 5/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng các nhà chức trách Mỹ sẽ không bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược bằng dầu của Moscow, dù mặt hàng này đã bị giới hạn giá dưới 60 USD/thùng.

Trước đó, chính quyền Washington đã tiết lộ kế hoạch lấp dầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược sau đợt phát hành lịch sử 165 triệu thùng dầu đã được công bố trong năm nay. Các quan chức nói rằng kho dự trữ sẽ được lấp đầy với sản phẩm dầu có giá dưới mức 70 USD/thùng.

Trước câu hỏi từ phía các phóng viên rằng Mỹ có định sử dụng dầu Nga, đã bị giới hạn dưới 60 USD/thùng, để lấp đầy kho chứa chiến lược hay không, bà Jean-Pierre cho biết Washington không có ý định này do dầu của Nga đã bị cấm nhập khẩu vào Mỹ theo các lệnh trừng phạt từ tháng 3.

Tính đến ngày 25/11, lượng dầu trong kho dự trữ Mỹ là khoảng 389 triệu thùng. Đồng thời, chính quyền Mỹ tuyên bố rằng họ sẵn sàng giải phóng khối lượng dầu bổ sung từ kho dự trữ quốc gia vào mùa đông nếu cần thiết.

Động thái mới của Washington cho thấy quốc gia này quyết tâm loại bỏ mặt hàng dầu của Nga khỏi dòng chảy thế giới, đặc biệt sau khi G7 và EU đồng ý áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga từ ngày 5/12.

Tuy nhiên, trong một động thái liên quan, Mỹ và EU đã đồng ý miễn trừ dầu từ sự án Sakhalin-2 khỏi lệnh trừng phạt chống Nga theo yêu cầu của Tokyo.

"Dự án Sakhalin-2 cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản, với gần 9% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này đến từ đó. Hầu hết tất cả số đó đều dùng để sản xuất điện, cung cấp 3% năng lượng điện của Nhật Bản.

Chúng tôi đã giải quyết tình hình và yêu cầu các đối tác của mình loại trừ các nguồn cung cấp dầu đó khỏi lệnh trừng phạt", một quan chức của Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản giải thích.

Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép các giao dịch liên quan đến các chuyến hàng vận chuyển dầu từ dự án Sakhalin-2 đến Nhật Bản bằng đường biển cho đến ngày 30/9/2023.

Các giao dịch này đã được loại trừ khỏi chính sách trần giá 60 USD. Trước đó, một quy định miễn trừ tương tự đã được Liên minh châu Âu thông qua, ấn định thời hạn cho quy định này vào ngày 5/6/2023.

Mặt khác, chính quyền Nhật Bản đã đồng ý với mức giá trần và các hạn chế khác đối với dự án Sakhalin-1, vì đây là dự án chủ yếu sản xuất dầu mỏ và hiện Tokyo không nhập dầu mỏ từ dự án này.

Xem thêm >> Lo Fed thay đổi quyết định, chứng khoán Mỹ trượt dốc ngay đầu tuần

Tin mới lên