Tài chính quốc tế

Mỹ: Lập tức trừng phạt kinh tế Nga sẽ ‘giảm tính răn đe’

(VNF) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng nếu áp lệnh trừng phạt kinh tế với Nga ngay tại thời điểm này sẽ làm giảm khả năng răn đe, đo đó sẽ không có hiệu quả trong việc ngăn chặn khả năng Nga tấn công Ukraine.

Mỹ: Lập tức trừng phạt kinh tế Nga sẽ ‘giảm tính răn đe’

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 23/1, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt là ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.

“Do đó, nếu trừng phạt ngay bây giờ, chúng sẽ mất tác dụng răn đe", ông Blinken nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng lưu ý thêm rằng nếu Nga “động binh” với Ukraine thì các nước sẽ có phản ứng.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Anh Dominic Raab cho biết Anh đã sẵn sàng áp đặt các hình phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga nếu nước này có ý định tấn công Ukraine và muốn đưa chính trị gia thân Nga lên làm lãnh đạo ở Kiev.

Theo ông Raab, không loại trừ một số biện pháp trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Trước đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung cảnh báo Nga sẽ chuốc lấy "hậu quả nghiêm trọng" nếu tấn công Ukraine, trong đó có trừng phạt kinh tế.

EU kêu gọi Nga lập tức giảm căng thẳng tình hình biên giới Ukraine, chấm dứt tình trạng tập trung đông quân số sát nước láng giềng và những phát ngôn đe dọa.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết Washington và các đồng minh đang xây dựng một loạt biện pháp trừng phạt tài chính, công nghệ và quân sự chống lại Nga.

Giới chức Mỹ cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào việc loại bỏ các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga khỏi hệ thống giao dịch toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn với báo Nam Đức (SZ) ngày 23/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Nga và phương Tây đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột quân sự khi hai bên đều từ chối thỏa hiệp lẫn nhau. Ông đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải "trả giá đắt" nếu có bất kỳ hành động hung hăng nào chống lại chủ quyền của Ukraine

Dù Đức và các nước đồng minh đã nhất trí về các biện pháp khả thi trong trường hợp xấu nhất, nhưng theo Thủ tướng Đức, nước này đang làm mọi thứ và kích hoạt tất cả các kênh ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng.

Ông Scholz cho rằng Mỹ và châu Âu cần thận trọng lựa chọn các biện pháp hiệu quả nhất đồng thời cần phải xem xét những hậu quả mang lại và không nên ảo tưởng rằng các biện pháp mà họ đưa ra không gây hậu quả gì.

Xem thêm >> Thủ tướng Đức: Nga phải ‘trả giá đắt’ nếu gây hấn với Ukraine

Tin mới lên