Tài chính quốc tế

Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh ở thương vụ thâu tóm Broadcom-Qualcomm

Nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm, có trụ sở ở California (Mỹ), đã quyết định hoãn cuộc họp cổ đông ban đầu dự kiến diễn ra ngày 6/3 để xem xét thương vụ sáp nhập do hãng cung ứng chip Wi-Fi Broadcom đề xuất, sau khi giới chức Mỹ cảnh báo về nguy cơ an ninh của thương vụ này.

Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh ở thương vụ thâu tóm Broadcom-Qualcomm

Ảnh minh họa.

Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), đơn vị trực thuộc Chính phủ Mỹ đã yêu cầu xem xét lại "khía cạnh an ninh quốc gia" trong vụ hãng Broadcom, có trụ sở tại Singapore đề xuất chi 117 tỷ USD để "thâu tóm" đối thủ cạnh tranh Qualcomm.

CFIUS, gồm đại diện các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Thương mại, Năng lượng và An ninh nội địa Mỹ, có nhiệm vụ đánh giá các thương vụ nước ngoài đề xuất mua lại tài sản tại Mỹ để đảm bảo chúng không đe dọa tới an ninh quốc gia, đã xác định những nguy cơ tiềm tàng của thương vụ này và yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện.

Trong một tuyên bố, hãng Broadcom xác nhận đang hợp tác với CFIUS, đồng thời khẳng định "sự kết hợp giữa Broadcom với Qualcomm sẽ tạo thêm nhiều nguồn lực cho đầu tư và phát triển".

Tuy nhiên, thông tin trên đã khiến giá cổ phiếu của Qualcomm sụt giảm 3% trong bối cảnh gia tăng quan ngại của giới đầu tư rằng hoạt động điều tra của chính phủ, vốn là "bất thường" đối với một thỏa thuận còn chưa ngã ngũ, sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Broadcom trong thương vụ thâu tóm này.

Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Qualcomm, nhà cung ứng chip modem cho các nhà sản xuất smartphone như Apple, Samsung, đã từ chối đề nghị sáp nhập của Broadcom với giá trị hợp đồng lên tới 103 tỷ USD.

Qualcomm cho rằng hợp đồng này không "tương xứng" với giá trị, vị trí tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cũng như triển vọng phát triển của hãng.

Tháng 2 vừa qua, Broadcom đã quyết định nâng giá chào mua đối thủ Qualcomm. Nếu Qualcomm chấp thuận, đây sẽ là thương vụ mua bán và tiếp quản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.

Tin mới lên