Tài chính quốc tế

Mỹ loay hoay 'xử lý' Triều Tiên, Trung Quốc tìm cách ‘phòng thân’

(VNF) – Vừa tuyên bố Mỹ sẽ "đàm phán không cần điều kiện tiên quyết" với Triều Tiên và được Nga, Trung Quốc ca tụng hết lời, Ngoại trường Mỹ mới đây lại nhấn mạnh Triều Tiên phải chấm dứt cách hành xử đe doạ trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

Mỹ loay hoay 'xử lý' Triều Tiên, Trung Quốc tìm cách ‘phòng thân’

Rộ lên tin tức về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Ngoại trưởng Tillerson và Tổng thống Donald Trump.

"Triều Tiên phải tìm đường trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá", AFP dẫn lại lời ông Tillerson nói trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/12.

Ông Tillerson khẳng định rằng ngoại trừ điều này, không có điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán và Mỹ cũng không chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Triều Tiên hoặc các nước khác.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng áp lực với Triều Tiên, bằng cách đẩy mạnh thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng do chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Tuy nhiên, ông Tillerson cũng "bỏ ngỏ" rằng Mỹ vẫn duy trì các kênh trao đổi thông tin mở với Triều Tiên.

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh hơn Hàn Quốc

Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên ngày 12/12, Nhà Trắng đã phản bác tuyên bố này. Điều này cũng làm rộ lên tin tức về sự rạn nứt trong quan hệ giữa Ngoại trưởng và Tổng thống Trump.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 13/12 khẳng định quan điểm của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên vẫn "không thay đổi".

Bà Sarah Sanders nhấn mạnh: "Triều Tiên tiếp tục hành động thiếu an toàn không chỉ với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc mà với cả thế giới. Các hành động của Triều Tiên không có lợi cho bất cứ ai và tất nhiên cũng không có lợi cho Triều Tiên".

Triều Tiên vẫn "ngó lơ"

Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Ja Song-nam, Đại sứ Triều Tiên đã không đề cập trực tiếp tới lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông coi đó là "một biện pháp liều lĩnh do Mỹ bày ra vì khiếp sợ trước sức mạnh phi thường của Triều Tiên" khi Bình Nhưỡng "giành được thành quả vĩ đại trong việc hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia".

Đại sứ Ja Song-nam rời đi trước khi Tổng thống Trump phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ở  New York hôm 19/9.

Ông Ja Son-nam khẳng định Triều Tiên không gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào nếu như những lợi ích của nước này không bị xâm phạm.

Từ đầu năm, ông Ja Son-nam đã liên tục chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, cho rằng "tình hình ở bán đảo Triều Tiên một lần nữa đứng trên bờ chiến tranh hạt nhân" do Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung.

Trung Quốc tìm cách "tự bảo vệ mình"

Mặc cho giới chức Mỹ lục đục, Trung Quốc trước tiên tìm cách để bảo vệ mình phòng khi chiến tranh xảy ra.

Theo Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Hải quân Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong 4 ngày từ 14/12 đến 18/12.

Chính quyền đã vạch ra một vùng cấm hình chữ nhật ở vùng biển phía tây Lushun, tỉnh Liêu Ninh, một căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Bắc Hải, lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ Bột Hải và Hoàng Hải ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Giữa căng thẳng quân sự gia tăng, các tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Hải, trong khi Không quân tăng cường tuần tra và giám sát trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 11/12 cũng đưa ra thông báo họ đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa mô phỏng chung với Nga ở thủ đô Bắc Kinh, sự kiện này nhằm tăng cường sự hợp tác trước các mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo trong khu vực.

Tin mới lên