Tài chính quốc tế

Mỹ mất 90 tỷ USD mỗi năm vì doanh nghiệp giấu lãi ở thiên đường thuế

(VNF) - Nếu chuyển hết lợi nhuận tại nước ngoài của Apple về Mỹ, tiền thuế mà công ty này bị đánh tương đương với 67,4% ngân sách liên bang chi cho giáo dục, đào tạo, việc làm và dịch vụ xã hội trong một năm.

Mỹ mất 90 tỷ USD mỗi năm vì doanh nghiệp giấu lãi ở thiên đường thuế

Tập đoàn công nghệ Apple đang giữ 181,1 tỷ USD ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác của Mỹ

Tương tự, con số này với Microsoft là 39,3%, General Electric 39,3%, Google 15,7%,  Pepsico là 12,5%, Coca Cola 11%, P&G 14,9%, City Group 13,2%...

Theo Howmuch.net, Mỹ đánh thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập mức tối đa vào khoảng 40%. Do đó, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã tìm cách chuyển lợi nhuận, công nghệ, tài sản sang các quốc gia có thuế suất thấp, còn gọi là các "thiên đường thuế". Các cá nhân, doanh nghiệp này có thể lợi dụng những chính sách thuế nước ngoài để tránh phải trả thuế ở nước họ.

Giữ tài sản ở nước ngoài là một trong những nghiệp vụ bí ẩn nhất của thế giới tài chính, nhằm giấu của cải khỏi tầm mắt của các quan chức thuế, làm mập mờ nguồn gốc và danh tính chủ nhân thực sự.

Hiện chưa có một định nghĩa chính thức nào mang tính pháp lý về các thiên đường thuế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) đưa ra 4 tiêu chuẩn để "nhận diện" loại thiên đường này gồm: không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không, thiếu minh bạch, có những rào cản đối với việc trao đổi thông tin và cuối cùng là dễ dãi với những "công ty ma". 

Dưới đây là danh sách 30 công ty Mỹ nắm giữ khối tài sản tại nước ngoài nhiều nhất do trang Howmuch.net tổng hợp. Tương ứng với số tài sản này ở nước ngoài là số thuế bị đánh tại Mỹ nếu toàn bộ số tài sản của công ty được chuyển về nước.

Danh sách trên được đưa ra dựa vào nghiên cứu của tổ chức Citizens for Tax Justice và số liệu từ Nhà Trắng về 500 công ty lớn nhất Mỹ về doanh thu (Fortune 500). 

Có ít nhất 358 công ty, chiếm gần 72% danh sách Fortune 500, vận hành chi nhánh tại các thiên đường thuế vào thời điểm cuối năm 2014", nghiên cứu cho biết. Tổng cộng, 358 công ty này có ít nhất 7.622 chi nhánh tại các thiên đường thuế.

Theo đó, 500 công ty lớn nhất của Mỹ giữ hơn 2,1 nghìn tỷ USD lợi nhuận tích lũy qua nhiều năm ở nước ngoài để trốn thuế. Nếu chuyển hết số tiền này về Mỹ, các công ty sẽ bị đánh thuế khoảng 620 tỷ USD.

Điều đáng chú ý là chỉ 30 công ty trên đã chiếm tới 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương 65%, trong tổng số 2,1 nghìn tỷ USD mà các công ty trong Fortune 500 cất giữ ở nước ngoài.

Cụ thể, tập đoàn công nghệ Apple đang giữ 181,1 tỷ USD ở nước ngoài, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác của Mỹ. Trong trường hợp chuyển toàn bộ số tiền này từ 3 thiên đường thuế về nước, Apple sẽ bị đánh thuế 59,2 tỷ USD.

Những cái tên quen thuộc khác trong danh sách có thể kể đến như Microsoft, Google, Pepsi và Coca-Cola, Prizer, ngân hàng J.P. Morgan, Walmart với hàng tỷ USD tài sản ở nước ngoài và số tiền thuế thất thoát khỏi nước Mỹ.

Hãng phần mềm Microsoft cất 108,3 tỷ USD ở 5 "thiên đường thuế"; hãng dược phẩm Prizer cất 74 tỷ USD ở 151 chi nhánh tại các thiên đường thuế.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, các công ty Mỹ giữ tiền ở nước ngoài chỉ phải nộp thuế ở mức 6% cho số lợi nhuận này, so với thuế suất 35% của thuế doanh nghiệp Mỹ.

Theo Howmuch.net, số tiền thuế mà Apple sẽ phải trả cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) nếu chuyển toàn bộ tài sản tại nước ngoài về nước tương đương với 2/3 ngân sách liên bang chi cho giáo dục, đào tạo và việc làm (chính xác là 67,4%).

An sinh xã hội là một chi phí khổng lồ đối với chính phủ liên bang. Tuy nhiên, số tiền thuế mà General Electric không nộp tại Mỹ tương đương với 4% ngân sách này.

Nếu Microsoft quản lý toàn bộ tài sản và đóng thuế tại Mỹ, số tiền này tương đương  20,8% ngân sách cho cựu chiến binh.

Số tiền thuế mà hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer không nộp tại Mỹ bằng 87,7% ngân sách liên bang cho nông nghiệp. Tương tự số thuế này của IBM chiếm 32% ngân sách quản trị tư pháp, của Google tương đương với 1,5% của ngân sách liên bang cho sức khỏe và y tế.

Số tiền tránh thuế của các doanh nghiệp tương đương với một lượng không nhỏ ngân sách liên bang chi cho các vấn đề xã hội.

Số thuế mà tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil không nộp cho chính phủ nước này ngang với 25,7% của ngân sách liên bang về các vấn đề quốc tế. Tiền thuế này của Pepsi gấp đôi ngân sách liên bang chi cho năng lượng (201,8%).

Ngay cả Caterpillar, công ty cuối cùng trong danh sách, số tiền thuế thất thoát khỏi Mỹ tương đương 13,8% ngân sách cho tài nguyên và môi trường.

Ước tính việc sử dụng rộng rãi các thiên đường thuế ở nước ngoài của các doanh nghiệp khiến nước Mỹ "bỏ lỡ" 90 tỷ USD tiền thuế thu nhập mỗi năm. Tất nhiên số tiền này không bù đắp đủ thâm hụt ngân sách liên bang nhưng cũng đóng góp phần nào.

Trong năm tài chính 2015, doanh thu ngân sách liên bang đủ chi 3,2 nghìn tỷ USD trong số 3,7 nghìn tỷ USD trong chi tiêu chính phủ, còn lại 500 tỷ USD là vay mượn. Ba nguồn thu chính của ngân sách là thuế thu nhập (47%, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD), thuế tiền lương (33%, hoặc 1 nghìn tỷ USD) và thuế doanh nghiệp (11%, 350 tỷ USD).

60% các công ty Mỹ có chi nhánh tại các thiên đường thuế phổ biến nhất là Bermuda và quần đảo Cayman. Lợi nhuận mà tất cả các công ty Mỹ kiếm được ở hai nước này trong năm 2010 đạt khoảng 1.600% GDP của mỗi nước.

Các thiên đường thuế thường nằm tại các quần đảo nhỏ.

Giống như Bermuda và Caymans, nhiều thiên đường trốn thuế khác ở nước ngoài thường nằm ở các đảo, thuộc vùng biển Caribe. Các "kinh đô" tránh thuế đình đám có thể kể đến như Bahamas, Barbados, quần đảo Virgin thuộc Anh, St Kitts và Nevis, St Lucia, Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Caicos, quần đảo Virgin thuộc Mỹ.

Costa Rica, Cyprus, Hồng Kông, Jordan, Luxembourg, Malta, Mauritius, Singapore, và thậm chí Lebanon cũng nằm trong nhóm những nơi đến hàng đầu của các doanh nghiệp lớn muốn tránh né việc nộp thuế; bên cạnh đó còn có Panama, Ireland, Thụy Sĩ, Hà Lan.

Trong khi các nước bị thất thoát nguồn thu lớn từ thuế thì các nước nhỏ này lại có cơ hội đổi đời. Quần đảo Virgin thuộc Anh được gọi là cây ATM của nền kinh tế toàn cầu, chân dung điển hình của một thiên đường thuế truyền thống có số má.

Theo nghiên cứu, các khoản tiền đổ ra nước ngoài của  500 công ty lớn nhất nước Mỹ đã tăng gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2014. Trong năm 2014, tài sản của Apple taị nước ngoài tăng 70 tỷ USD so với năm trước đó.

Điều nguy hiểm hơn, đó là cơ quan chức năng ở Mỹ còn phát hiện ra nhiều công ty, tập đoàn trong danh sách Fortune 500 đã sử dụng các công ty bình phong ở các "thiên đường thuế" vào việc thao túng thị trường chứng khoán. Điều này đặt ra nguy cơ tiềm ẩn khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ các thị trường chứng khoán, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhận ra rằng các thiên đường thuế có tác động tiêu cực đáng kể tới tài chính quốc gia. Do đó, có rất nhiều cuộc vận động nhằm kêu gọi minh bạch toàn cầu về vấn đề thuế cũng như thúc giục lãnh đạo các quốc gia toàn cầu chấm dứt các hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn khiến chính phủ các nước phải đau đầu vì xung đột dường như không thể giải quyết giữa mong muốn kiểm soát dòng vốn quốc tế và thực tế là chính sách tài khóa là một yếu tố cốt lõi của chủ quyền quốc gia.

Theo Jeff Sachs, cố vấn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: "Thiên đường thuế không tự nhiên xuất hiện. Chúng là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ các nước lớn, trong mối hợp tác với các tổ chức tài chính, kế toán và thể chế pháp luật nhằm dịch chuyển dòng tiền".

Tin mới lên