Tài chính quốc tế

Mỹ thúc đẩy áp giá trần với dầu Nga, đe dọa trừng phạt nếu không tuân thủ

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định rằng việc áp giá trần với dầu Nga sẽ ngăn nguy cơ giá xăng, dầu tăng vọt vào mùa đông. Đồng thời, bộ này cũng cảnh báo các doanh nghiệp mua dầu của Nga nếu không tuân thủ cơ chế áp giá trần sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Mỹ thúc đẩy áp giá trần với dầu Nga, đe dọa trừng phạt nếu không tuân thủ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 11/9, khi được hỏi rằng liệu người dân Mỹ có nên lo lắng về việc giá xăng tăng trở lại vào cuối năm nay hay không, bà Yellen cho rằng nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra và kịch bản áp giá trần với dầu Nga chính là để hạn chế rủi ro đó.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết khả năng giá xăng tăng lên vì "phần lớn” EU “sẽ ngừng mua dầu của Nga" và áp đặt lệnh cấm đối với các dịch vụ cho phép Nga vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu.

Kế hoạch mức trần giá, vốn được Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thúc đẩy, kêu gọi các nước tham gia từ chối bảo hiểm, tài chính, môi giới, hàng hải và các dịch vụ khác đối với dầu có giá cao hơn mức trần giá hiện chưa được xác định đối với dầu thô và sản phẩm dầu.

Bà Yellen cho biết rằng mức trần giá là nhằm giảm doanh thu mà Nga có thể sử dụng để phục vụ cho chiến sự tại Ukraine trong khi duy trì nguồn cung dầu của Nga để giữ cho giá toàn cầu giảm.

Ở động thái liên quan, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã ra văn bản hướng dẫn cho hay doanh nghiệp Mỹ được phép mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nếu đồng ý tuân thủ cơ chế giá trần đã được các nước đồng minh gồm G7 và Liên minh châu Âu (EU) thông qua.

Theo văn bản trên, Mỹ sẽ cấm các dịch vụ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga trên biển từ ngày 5/12 và các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5/2/2023. Tuy nhiên, lệnh cấm đó sẽ không áp dụng đối với các bên tuân thủ quy tắc về giá.

Các nhà nhập khẩu hoặc nhà máy lọc dầu muốn mua dầu của Nga ở mức dưới giá trần giới cần phải cung cấp giấy tờ chứng minh hợp lệ cho các nhà cung cấp dịch vụ vận tải. Những công ty mua dầu giá cao hơn mức trần hoặc cố ý cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải đối mặt với điều tra pháp lý và các chế tài xử phạt.

OFAC không nêu rõ mức trần giá, nhưng cho biết hướng dẫn bổ sung sẽ được ban hành sau khi tham vấn với các quốc gia khác có liên quan.

Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Elizabeth Rosenberg cho biết giá trần mà các nước G7 muốn áp lên dầu Nga nên được thiết lập bằng cách lấy giá thị trường hợp lý (fair market value) trừ phần bù rủi ro (risk premium) từ chiến sự tại Ukraine. Giá trần cần cao hơn chi phí sản xuất cận biên của Nga và nên điều chỉnh theo lịch sử.

Theo giới chuyên gia, việc này đồng nghĩa giá trần có khả năng quanh 60 USD một thùng.

Xem thêm >> Loạt nước châu Âu phản đối việc áp giá trần với khí đốt Nga

Tin mới lên