Tài chính quốc tế

Mỹ xem Dòng chảy phương Bắc 2 là ‘con tin’ ngăn Nga tấn công Ukraine

(VNF) - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chính là "công cụ gây sức ép của phương Tây" đối với Nga để ngăn nguy cơ nước này tấn công Ukraine.

Mỹ xem Dòng chảy phương Bắc 2 là ‘con tin’ ngăn Nga tấn công Ukraine

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Tuyên bố của ông Sullivan được đưa ra vào ngày 7/12, chỉ vài giờ sau khi cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc. Nhà Trắng dường như muốn lý giải về những quyết định của mình trước những chỉ trích về việc Mỹ lẽ ra nên cứng rắn tới cùng với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

"Khí đốt hiện vẫn chưa chảy qua Dòng chảy phương Bắc 2, điều đó tức là nó chưa vận hành và chưa gây ảnh hưởng được tới Tổng thống Nga Putin”, ông Sullivan nhận định. Do đó, theo ông Sullivan, nếu ông Putin muốn Dòng chảy phương Bắc 2 được vận hành suôn sẻ, ông sẽ không “mạo hiểm tấn công Ukraine”.

Ông Sullivan cũng cho hay, việc xem xét số phận của Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là ưu tiên của Mỹ, trong bối cảnh Washington cùng các nước phương Tây nhận định "Nga có khả năng tấn công Ukraine trong những tuần tới".

Trong khi đó, phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định rằng: "Nếu Tổng thống Putin mở màn tấn công vào Ukraine, thì mong đợi của chúng tôi là đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị đình chỉ”.

Cũng theo bà Nuland, Mỹ đã tham vấn với chính phủ mới của Đức, đối tác của Nga trong dự án dẫn khí đốt trên và kết quả cho thấy Berlin sẵn sàng thực hiện những hành động kiên quyết trong vấn đề này.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mới đây cũng nhấn mạnh rằng Đức ủng hộ những đe dọa của Mỹ và các đồng minh châu Âu khác về việc sử dụng "các lựa chọn và công cụ kinh tế" nếu Nga tấn công Ukraine.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm dấy lên một số quan ngại rằng dự án có thể ảnh hưởng đến kinh tế, năng lượng của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine.

Xem thêm >> Apple bí mật ký thỏa thuận 275 tỷ USD để được ‘ưu ái’ hơn tại Trung Quốc?

Tin mới lên