Thị trường

MyGo tham chiến lĩnh vực gọi xe (Kỳ I): Áp lực cạnh tranh và thế mạnh ông lớn

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội) tính gì khi “tham chiến” vào lĩnh vực gọi xe công nghệ khi thị trường này đã, đang được ví như một “cuộc chiến khô máu” giữa hàng chục thương hiệu nội ngoại - mà ở đó có những hãng đã rời bỏ thị trường, nhiều hãng đang lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ?

MyGo tham chiến lĩnh vực gọi xe (Kỳ I): Áp lực cạnh tranh và thế mạnh ông lớn

Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng

Trả lời phỏng vấn của VietnamFinance, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nói:

“Không phải bây giờ Viettel Post mới quyết định tham gia vào lĩnh vực này. Chúng tôi đã suy nghĩ từ khá lâu và chính bản thân Viettel Post cũng đã đi tìm các doanh nghiệp để cung cấp các dịch vụ cho mình cũng như các hệ sinh thái cho khách hàng. Tuy nhiên hơn một năm đi tìm nhưng Viettel Post không tìm được đối tác nào phù hợp. Họ đặt quá nhiều lợi ích của doanh nghiệp mà lại không chia sẻ lợi ích cho khách hàng.

Chính vì vậy Viettel Post quyết định tự làm và bằng đúng nguồn lực của người Việt Nam, những người được lựa chọn rất kỹ lưỡng, có khát vọng làm ra các sản phẩm Việt để phục vụ người tiêu dùng Việt.

Thứ hai đó là hệ sinh thái rất cần thiết cho các khách hàng của Viettel Post. Không chỉ người tiêu dùng Việt Nam nói chung mà khách hàng Viettel Post cũng cần có các sản phẩm chuyển phát đa dạng, tức thời để đáp ứng được nhu cầu của họ, cho nên Viettel Post đã chủ động đầu tư."

Rủi ro nhìn từ những khoản lỗ nghìn tỷ

- Viettel Post tham gia vào mảng gọi xe công nghệ vì là doanh nghiệp chuyển phát, có liên quan mật thiết hay vì miếng bánh trên thị trường này còn quá lớn?

Ông Trần Trung Hưng: Như tôi nói đây là hệ sinh thái rất cần thiết cho các khách hàng của Viettel Post và người tiêu dùng Việt Nam. Rõ ràng nó là một thị trường rất tiềm năng, không phải ở các thành phố lớn mà còn tiềm năng ở các thị trường khác mà các doanh nghiệp khác chưa vươn tới. Viettel Post rất cần xây dựng hệ sinh thái cho khách hàng của mình ở trên toàn quốc, ở tất cả mọi nơi, vùng sâu vùng xa, hải đảo.

Do vậy thị trường này còn đang rất tiềm năng chứ không phải đã đóng.

- Nhưng nhiều thương hiệu đã tham gia thị trường nhiều năm nhưng vẫn lỗ hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng đó thôi?

Điều này Viettel Post đã nghiên cứu rất kỹ. Giá trị mà chúng tôi hướng đến là một giá trị lâu dài cho cả đối tác của mình và cho khách hàng. Còn rõ ràng đây là thị trường đang cạnh tranh để thu hút khách hàng là chính.

Bản chất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài vẫn là lợi nhuận. Họ sẽ không bao giờ cho không khách hàng của mình, chỉ có ban đầu là phải dùng chính sách, chi phí marketing để thu hút lượng người dùng, về sau họ lại tận thu, vì bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận chứ không có chuyện cho không.

Cho nên Viettel Post sẽ có chiến lược rất khác biệt. Chúng tôi sẽ tập trung vào những giá trị đích thực cho người tiêu dùng, giá trị lâu dài cho các đối tác của mình.

- Nhưng đây cũng là rủi ro cho Viettel Post khi “nhảy vào cuộc đua khô máu” đấy chứ?

Bất kỳ lĩnh vực kinh doanh gì cũng đều có rủi ro cả. Không một lĩnh vực nào mà không có rủi ro. Chỉ có điều là chúng ta chấp nhận rủi ro ra sao, đến đâu, và trong rủi ro đó có cả cơ hội. Ví dụ thị trường này  chúng tôi không phải thay đổi thói quen người tiêu dùng nữa vì họ đã biết đến dịch vụ gọi xe trực tuyến rộng rãi rồi nên không mất chi phí để tạo cho thị trường có một thói quen về dịch vụ xe công nghệ. Đó cũng là một lợi thế.

Lo ngại “dựa hơi” Viettel

- Viettel Post là một trong hai doanh nghiệp chuyển phát lớn nhất của Việt Nam – liệu điều này có là cơ sở để tạo ra lợi thế khác hẳn so với các doanh nghiệp khác khi tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ?

Tất nhiên đây là một lợi thế, một sự khác biệt. Chúng tôi sẽ tập trung vào những giá trị đích thực và lâu dài. Thu nhập của chúng tôi không chỉ dừng lại ở thu nhập cho các đối tác của mình mà còn khát vọng rất lớn là cùng họ xây dựng lên thương hiệu.

Thứ hai chúng tôi cũng muốn cùng họ đem lại giá trị khác về mặt nhận thức, kiến thức, vì MyGo sẽ không đơn thuần đào tạo họ trở thành một tài xế, mà muốn các đối tác sẽ trở thành những nhà bán hàng (sale), những người kinh doanh thực sự.

- Nhưng bởi Viettel Post là một thành viên của Tập đoàn Viettel – một doanh nghiệp rất mạnh về hạ tầng, kết nối, lại sở hữu tới 50-60 triệu thuê bao điện thoại di động – phương tiện không thể thiếu cho việc triển khai dịch vụ gọi xe công nghệ, nên nhiều quan điểm cho rằng, MyGo sẽ “dựa hơi” rất lớn vào Viettel?

Tập đoàn Viettel có một văn hóa kinh doanh rất đặc biệt. Thứ nhất là Viettel coi trọng khách hàng và luôn hướng khách hàng là trọng tâm. Thứ hai, với Viettel thì việc cơ sở dữ liệu khách hàng – là tài sản của khách hàng nên chúng tôi không được phép xâm phạm. Và đây không phải là lợi thế của Viettel Post.

Viettel Post ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo vào ngày 1/7/2019

Và thực sự đến thời điểm này cũng chưa từng là lợi thế của Viettel Post. Chúng tôi cũng không lấy cơ sở dữ liệu đấy để thực hiện các chương trình marketing. Viettel cũng không bao giờ cho phép.

- Dù vậy vẫn có lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng…

Mọi người cứ yên tâm. Tôi đã nói là sẽ không có chuyện này xảy ra. Chắc chắn là như vậy. Các bạn có thể xem các thuê bao của Viettel đến thời điểm này chưa ai bị làm phiền cả. Chưa ai bị làm phiền từ bất kỳ thông tin nào từ MyGo. Chúng tôi đang chủ yếu tập trung về hạ tầng, hoàn thiện về công nghệ, trải nghiệm khách hàng và đây mới là lợi thế của MyGo, của Viettel Post.

Chắc chắn MyGo sẽ chọn con đường chậm nhưng chắc, vì như thế mới lâu dài được. Viettel Post sẽ không đổ tiền ồ ạt để hút khách hàng rồi sau đó lại khai thác chi phí của khách hàng về sau.

Có rơi vào “vòng quay giảm giá”?

- Thị trường gọi xe công nghệ vẫn đang trong vòng quay giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh, thu hút thuê bao (tài xế). Là một tân binh  trên thị trường, chắc MyGo cũng không thoát khỏi vòng quay này?

MyGo sẽ không tham gia. Họ sẽ khuyến mại khách hàng đến bao lâu? Chưa ai trả lời được nhưng tôi nghĩ sẽ không thể lâu được trên một khách hàng. Họ có thể khuyến mại đó rất lâu và cho nhiều khách hàng, tuy nhiên không thể nào khuyến mại mãi khi khách hàng đã tham gia vào dịch vụ. Đấy là điều không thể. Và cuối cùng họ sẽ lại khai thác lại “túi tiền” của người dùng.

Thực tế đã chứng minh rất rõ những khách hàng đang sử dụng của một số nền tảng gọi xe công nghệ rất đắt chứ không hề rẻ chút nào, thậm chí còn đắt hơn cả taxi truyền thống. Như thế thì không thể khuyến mại mãi được.

- Nhưng sao MyGo không tham gia vào vòng quay này?

Đấy có thể cách tiếp cận marketing của họ khác. Viettel Post (đã lên sàn chứng khoán - PV) rất minh bạch trong báo cáo kinh doanh. Còn các doanh nghiệp đều nói là lỗ nhưng chưa biết được lỗ đó đến từ đâu, nhưng tôi có linh cảm họ lỗ đến từ các chi phí marketing, thậm chí các chi phí marketing này chưa chắc đã vào tất cả 100% khách hàng, mà có thể vào các doanh nghiệp quảng cáo hoặc các chi phí khác.

Vì thế chúng tôi sẽ tiếp cận đến giá trị lâu dài và lợi ích của khách hàng mới là quan trọng.

- Nhưng là một tân binh mới tham gia vào thị trường, ông đánh giá thế nào về hình thức cạnh tranh bằng giảm giá, khuyến mại của các thương hiệu gọi xe công nghệ?

Đây là lĩnh vực mới, chúng ta chưa có quy định về chống độc quyền và cạnh tranh. Trong khi đó các dịch vụ khác như viễn thông có quy định rất rõ. Tôi nghĩ nó sẽ bất lợi với các doanh nghiệp nhỏ, các start-up và các doanh nghiệp nào có tiềm lực tài chính mạnh họ sẽ đổ tiền rất nhiều. Nhưng tôi nhắc lại, đến giá trị cuối cùng thì họ vẫn quay về bản chất là sẽ lấy đi rất nhiều chứ không có chuyện họ cho rất nhiều. Đấy là giá trị, ai cũng thế. Chỉ có doanh nghiệp Việt Nam lợi nhuận thì họ tái đầu tư lại đất nước Việt Nam, đấy là chắc chắn.

Các doanh nghiệp nước ngoài đương nhiên lợi nhuận họ sẽ mang về, và như thế thì sẽ cho ít và lấy nhiều, đó là quy luật bình thường trong kinh doanh. Chúng ta cũng không cần có quá nhiều phân tích về điều này, vì bản chất kinh doanh là phải tạo ra lợi nhuận, chỉ có điều nó là lợi nhuận trước mắt hay lâu dài.

- Ông nói không xem cuộc đua giảm giá, khuyến mại là khó khăn lớn nhất, vậy khó khăn lớn nhất của Viettel Post khi tham gia vào lĩnh vực gọi xe công nghệ là gì?

Khó khăn nhất do đây là dịch vụ xã hội. Viettel là thương hiệu quốc dân rồi cho nên nó sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu rất nhiều. Khi chúng tôi sử dụng lực lượng đối tác của mình thì lo ngại nhất họ có đảm bảo được giá trị của Viettel Post mong muốn cung cấp cho khách hàng hay không và Viettel Post có kiểm soát hành vi thái độ của họ trên thị trường hay không, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu (Viettel) đã rất uy tín và được người dùng Việt Nam tin tưởng.

Khó khăn thứ hai là thị trường Viettel Post cung cấp dịch vụ rất rộng, toàn quốc, do đó diện rộng cũng làm cho việc kiểm soát thái độ, hành vi sẽ khó khăn chứ không hề dễ. Hai điều này tưởng là lợi thế nhưng lại là khó khăn cho chính Viettel Post.

Tin mới lên