Công nghệ

MyGo tham chiến thị trường gọi xe (Kỳ II): Bao giờ thì có lãi?

(VNF) - VietnamFinance tiếp tục giới thiệu phần II của cuộc phỏng vấn ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) về sự kiện ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo mới đây.

MyGo tham chiến thị trường gọi xe (Kỳ II): Bao giờ thì có lãi?

Ứng dụng gọi xe MyGo chính thức ra mắt từ ngày 1/7/2019

PV: Lãnh đạo nhiều thương hiệu cho biết tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ tốn kém và lâu dài này các doanh nghiệp phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng. Vậy Viettel Post dự tính sẽ bỏ bao nhiêu cho MyGo, cụ thể là trong ba năm tới?

Ông Trần Trung Hưng: Như tôi nói ban đầu chúng tôi sẽ không theo cách làm của các doanh nghiệp khác. Còn các doanh nghiệp khác rót tiền tỷ thì rót làm gì, rót vào đâu, thực sự mà nói chưa thể minh bạch trên thị trường. Họ rót vào đâu chúng ta hoàn toàn không thể biết.

Thứ hai Viettel Post đặt cho mình các mục tiêu rất cụ thể. Đặc biệt là 6 tháng đầu tiên khi chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường chúng tôi chỉ tập trung vào trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và coi đó là mục tiêu quan trọng nhất. Viettel Post chưa đặt bất kỳ mục tiêu nào cho đầu tư, lợi nhuận hay doanh thu.

Bây giờ cũng không thể biết Viettel Post sẽ đầu tư bao nhiêu tiền để đáp ứng được nhu cầu khách hàng nhưng MyGo có mục tiêu chính cho 6 tháng cuối năm 2019 là tập trung vào trải nghiệm khách hàng.

- Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh gọi xe công nghệ sau nhiều năm tham gia thị trường đến nay vẫn lỗ, lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng (như Grab tính đến cuối năm 2018 số lỗ lên tới 1.800 tỷ đồng), viễn cảnh MyGo liệu có cùng cảnh ngộ này?

Rất khó để chấp nhận một doanh nghiệp Việt Nam lỗ. Doanh nghiệp nước ngoài lỗ thì không sao, nhưng doanh nghiệp Việt Nam là rất khó chấp nhận lỗ. Chúng tôi xác định trách nhiệm đó vì còn phải đóng góp cho ngân sách quốc gia, cho xã hội rất nhiều. Nên nếu chúng tôi lỗ là điều rất không ổn, là rất có vấn đề, nhất là khi Viettel Post lại là doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi không đặt vấn đề lỗ mà phải cố gắng không được lỗ.

Năm 2020 Viettel Post có kế hoạch rất bài bản, lúc đấy Viettel Post sẽ tính toán nhưng với quan điểm doanh thu trừ chi phí trên năm cũng cố gắng không lỗ, có thể lỗ vài tháng nhưng không thể lỗ cả năm.

Còn các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài thực chất có lỗ hay không thì chúng ta cần có giám sát rất chặt chẽ để đảm bảo môi trường Việt Nam thực sự tốt và hiệu quả về mặt đầu tư, như thế mới kêu gọi được đầu tư khác. Chứ nếu cứ lỗ thế này là bất lợi cho dân tộc, bất lợi cho quốc gia.

- Nhưng đâu là cơ sở để đảm bảo cho mục tiêu “không lỗ theo năm”?

Kinh doanh thì công thức rất đơn giản là doanh thu trừ chi phí. Với sản phẩm mang tính xã hội thế này thì lợi thế quy mô sẽ là yếu tố quyết định. Nếu doanh nghiệp nào có lợi thế quy mô khách hàng lớn, cung cấp diện rộng thì sẽ giải quyết được bài toán lỗ lãi, còn doanh nghiệp nào kinh doanh diện hẹp, dịch vụ hẹp thì chắc chắn chuyện lỗ lãi vẫn là chủ đề lớn trong ngành này.

Viettel Post sẽ chọn cho mình hướng đi là quy mô lớn.

- Tôi định hỏi ông bao giờ thì Viettel Post hòa vốn và có lãi khi tham gia vào “cuộc chiến khốc liệt” này nhưng ông nói sẽ cố gắng không lỗ theo năm. Vậy khi nào thì MyGo sẽ có lãi và đến giai đoạn tăng trưởng về lợi nhuận?

Điều này Viettel Post cũng phải tính toán. Nhưng chúng tôi có kế hoạch và dự kiến khoảng năm 2021 thì sẽ bắt đầu có lãi.

- Vậy còn mục tiêu về thị phần trong năm nay và năm 2021 – thời điểm mà Viettel Post tính toán bắt đầu có lãi thì sao?

Trong năm nay Viettel Post không đặt quá nặng về thị phần cho MyGo nhưng sẽ cố gắng phấn đấu là số 2. Tại thời điểm công bố ra mắt MyGo chúng tôi đã có hơn 105 nghìn đối tác rồi, như thế cũng không phải nhỏ đâu.

Còn thời điểm năm 2021 còn phụ thuộc rất nhiều vào đối thủ. Nếu tất cả không thực hiện khuyến mại ồ ạt theo kiểu giới kinh doanh gọi xe công nghệ gọi bằng thuật ngữ “đổ máu, khô máu” thì sẽ khác.

Chúng tôi sẽ căn cứ vào năng lực của mình trong 6 tháng tới, cộng với giá trị thực sự đem lại cho khách hàng so với đối thủ thì sang năm MyGo sẽ đặt mục tiêu như thế nào về thị phần, số lượng thuê bao hay người dùng.

- Còn tiến ra thị trường nước ngoài, các ông có tính đến không?

Có chứ. Ngay trong năm nay, khoảng quý IV, Viettel Post sẽ đưa dịch vụ gọi xe công nghệ MyGo ra thị trường Campuchia và Myanmar, và có thể một số thị trường khác nữa.

- Liệu có quá vội vã không, thưa ông?

Dịch vụ này có hai vấn đề. Một là nếu đi sau sẽ phải đổ rất nhiều tiền vào marketing, thường những người đi sau sẽ phải chọn chính sách giá rẻ và các chương trình marketing để đấu lại. Còn nếu tham gia vào thị trường mới thì chủ yếu chúng ta mang đến cho họ sự khác biệt và chi phí chỉ tập trung vào sản phẩm, còn chi phí marketing sẽ thấp.

Do vậy, đây là thời điểm tốt để Viettel Post đưa MyGo ra thị trường nước ngoài.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post

Rủi ro pháp lý

- Hiện vẫn chưa có khung pháp lý chính thức và cụ thể cho lĩnh vực gọi xe công nghệ, ông có nghĩ điều này sẽ là rủi ro cho thị trường gọi xe công nghệ nói chung và MyGo nói riêng?

Các quy định của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ này Viettel Post cũng đã hoàn thiện các hồ sơ và cũng đã được chấp thuận của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương. Hiện nay vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, vẫn còn nhiều tranh cãi là vận tải hay là công nghệ. Đến giờ thực sự cũng chưa ngã ngũ.

Viettel Post thì vẫn sẽ làm đúng theo quy định của Nhà nước. Nếu Nhà nước thay đổi rằng đây vẫn là dịch vụ vận tải – chỉ là phương thức cung cấp dịch vụ ra bên ngoài thì Viettel Post vẫn tuân thủ và chúng tôi không cho đấy là bất lợi về mặt pháp lý. Nhưng tôi biết dù thế nào đi chăng nữa Chính phủ vẫn muốn kiểm soát ngành này để đảm bảo an toàn cho người dân của mình- đấy là điều Chính phủ mong muốn, tạo ra thị trường minh bạch, và tôi tin không có bất lợi gì với pháp lý đấy.

- Bộ Giao thông Vận tải vẫn giữ quan điểm trước mắt sẽ áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử hoạt động như taxi thì quản lý như là xe taxi. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Chúng ta bây giờ phải thấy một sự công bằng. Rất nhiều tuyến phố cấm taxi nhưng xe không mào thì được gọi là xe gì? Xe cá nhân của các dịch vụ bằng công nghệ? Nghe rất nhiều, công an cũng rất khó để xử lý. Rõ ràng ở đây không có sự công bằng. Nếu Nhà nước yêu cầu phải gắn mào vào chúng tôi cũng chấp nhận và tôi cho rằng đấy là sự công bằng, không có gì cả. Chúng tôi không đi ngược lại.

Suy cho cùng đường giao thông không đảm bảo được, làm ách tách giao thông, ảnh hưởng việc đi lại của người dân thì chúng ta cũng phải chấp hành vì mang lại cả lợi ích cho người dân chứ đâu chỉ cơ quan quản lý. Không thì rất không công bằng cho các công ty taxi kia.

- Giả sử giờ được mời góp ý cho việc xây dựng quy định pháp luật cho lĩnh vực này, tất nhiên không vì lợi ích của cá nhân doanh nghiệp mà xét đến sự tiến bộ, xu hướng phát triển, lợi ích hài hòa, tổng thể của Nhà nước, xã hội và người dùng, ông sẽ nêu những ý kiến gì?

Mọi vấn đề đóng góp người ta hay bị xoay quanh lợi ích. Vấn đề lợi ích ở đây chủ yếu là thuế, chứ thuế mà bằng nhau thì mào hay không mào chắc cũng không quan trọng. Nhà nước đang có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp mang tính công nghệ, nên người ta cứ bám vào công nghệ để được ưu đãi.

Mọi người cũng cần xem xem doanh nghiệp (công nghệ) khi được giảm thuế thì họ có giảm (chi phí) cho khách hàng không. Mình phải đứng trên lợi ích của người tiêu dùng của mình. Nếu việc thuế đấy không làm giảm chi phí giá thành cho người dân của mình thì không nên.

Bởi vậy, nếu được kiến nghị, thứ nhất tôi cho rằng thử nghiệm như thế là đủ rồi, giờ Nhà nước cần phải nhanh chóng đi đến quyết định là vận tải hay công nghệ.

Thứ hai là mọi quy định của pháp luật đều muốn đem lại an toàn cho người dân, là quan trọng nhất. Rõ ràng kiểm soát doanh nghiệp chỉ dựa trên công nghệ mà không kiểm soát được người cung cấp dịch vụ để đem lại an toàn cho người dân thì rất nguy hiểm. Cơ chế gì thì cơ chế cũng phải kiểm soát được người cung cấp dịch vụ. Chúng ta không thể để tự do cung cấp dịch vụ mà không có sự kiểm soát.

Yếu tố thứ ba, theo tôi, vẫn phải đặt yếu tố doanh nghiệp kiến tạo xã hội, cho nên tạo ra thủ tục thông thoáng, dễ kiểm soát là quan trọng nhất, chứ lại đưa ra quá nhiều quy định thì chỉ tạo rào cản cho doanh nghiệp, thậm chí rất khó thực hiện, mà không thực hiện thì doanh nghiệp lại phải lách, phải trốn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm >>>MyGo tham chiến lĩnh vực gọi xe (Kỳ I): Áp lực cạnh tranh và thế mạnh ông lớn

Tin mới lên