Tiêu điểm

Năm 2018 sẽ không có chuyện tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước

(VNF) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn được duy trì trong năm 2018. Theo đó, tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.

Năm 2018 sẽ không có chuyện tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước

Tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ giảm đều theo từng quý

Tại báo cáo "Tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm và dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2018", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên 2 kịch bản tăng trưởng của năm 2018.

Kịch bản 1 là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,7%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng quý I là 7,47%, quý II là 6,83%, quý III là 6,61% và quý IV là 6,25%.


Kịch bản 2 là tăng trưởng GDP 2018 đạt 6,8%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng quý I là 7,47%, quý II là 6,8%, quý III là 6,72% và quý IV là 6,46%.


Qua so sánh các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với kết quả tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 theo từng quý và lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018. Theo đó, tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần..

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ, là do tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý. Cụ thể, quý II hơn quý I là 1,21 điểm phần trăm; quý III hơn quý II là 1,02 điểm phần trăm; và quý IV hơn quý III là 0,27 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, năm 2017 còn có những nhân tố tác động lớn đến sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu như Samsung (với sản phẩm mới Note 8 vào tháng 5/2017) và nhà máy Formosa (đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7/2017).

Trong khi đó, tình hình năm 2018 được đánh giá là tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá lại chưa rõ ràng. Do đó, khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017, kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu.

Bình luận về kết quả tăng trưởng quý I và kịch bản tăng trưởng năm 2018, TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) phân tích: "Sự tăng trưởng đột biến của quý I đến từ ngành công nghiệp, trong đó nổi bật là công nghiệp chế biến – chế tạo và sản xuất – phân phối điện, nước, khí đốt với tốc độ tăng trưởng lần lượt lên tới 13,6% và 10,5% so với quý I/2017".

Một nhân tố khác, tuy không nổi bật, nhưng cũng rất quan trọng trong việc tạo ra sự đột biến trong tăng trưởng GDP quý I là khai khoáng. Theo TS Tự Anh, nếu giờ này năm trước, khai khoáng còn đang tăng trưởng âm 10%, thì quý I/2018 đã tăng nhẹ ở mức 0,4%.

"So với quý I/2018, sự thay đổi đột biến nhất về tốc độ tăng trưởng đến từ khai khoáng (+10,4%) và chế biến – chế tạo (+5,3%). Thực tế là nếu tốc độ tăng trưởng của 2 ngành này vẫn giữ nguyên như mức của quý I/2017 thì tăng trưởng trong quý I/2018 chỉ khoảng 5,8% - tương đương với các năm trước và do vậy không còn tính đột biến nữa.

"Tóm lại, quý I/2018 tăng trưởng đột biến là nhờ ngành công nghiệp chế tạo chế biến (mà chủ yếu là Samsung và Formosa) và công nghiệp khai khoáng. Hơn nữa, tính đột biến này sở dĩ có được là do nền của quý I/2017 quá thấp (Samsung khủng hoảng với Galaxy Note 7, Formosa chưa đi vào hoạt động, khai khoáng giảm sâu 10%). Điều này cũng ngụ ý rằng tăng trưởng các quý tới không nhất thiết sẽ theo cùng nhịp độ của quý I/2018 và nếu có lạc quan thì cũng nên hết sức cẩn trọng", TS Tự Anh bình luận.

Đây cũng là điều mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo của mình, đã nhắc đến. Theo đó, Bộ lo ngại kết quả quý I/2018 rất cao sẽ dễ dẫn tới tâm lý như: sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được; kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng; hoặc có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê, dẫn tới những phân tích sai lệch về tình hình kinh tế - xã hội…

Do đó, Bộ yêu cầu các đơn vị cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có sự thay đổi lớn diễn ra.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong những tháng còn lại, tập trung vào kiên định thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 01/NQ-CP đã nêu ra từ đầu năm.

Tin mới lên