Bất động sản

Năm 2020, 98,5% căn hộ được TP. HCM cho phép 'bán nhà trên giấy' là thuộc phân khúc trung và cao cấp

(VNF) - Báo cáo hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2020 của Sở Xây dựng TP. HCM cho biết phân khúc căn hộ cao cấp giá trên 40 triệu một mét vuông khoảng 5.300 căn, chiếm tỷ trọng 35%; phân khúc trung cấp giá 20-40 triệu mỗi mét vuông có hơn 9.600 căn, tỷ trọng 63,5%. Nhà ở phân khúc bình dân chỉ còn 163 căn, tỷ lệ trên 1%.

Năm 2020, 98,5% căn hộ được TP. HCM cho phép 'bán nhà trên giấy' là thuộc phân khúc trung và cao cấp

Năm 2020, 98,5% căn hộ được TP. HCM cho phép 'bán nhà trên giấy' là thuộc phân khúc trung và cao cấp (ảnh minh họa)

Theo đó, năm qua, Sở đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 28 dự án, tổng số 15.135 căn nhà. Trong đó 13.703 căn hộ với 900.416m2 sàn, 1.429 căn nhà thấp tầng với gần 500.000m2 sàn xây dựng và ba căn biệt thự với 1.589m2 sàn, tổng giá trị vốn cần huy động hơn 61.000 tỷ đồng.

Phân khúc căn hộ cao cấp giá trên 40 triệu một mét vuông khoảng 5.300 căn, tỷ trọng 35%; phân khúc trung cấp giá 20-40 triệu mỗi mét vuông có hơn 9.600 căn, tỷ lệ 63,5%. Nhà ở phân khúc bình dân chỉ còn 163 căn, tỷ lệ 1,2%. Như vậy, nhà phân khúc bình dân giảm tới 98,6% so với tỷ lệ 53,7% năm 2019 (12.366 căn hộ). Lượng căn hộ huy động vốn tập trung nhiều nhất ở quận 9 với tám dự án, quận 2 có bảy dự án, quận 7 có bốn dự án, còn lại nằm rải rác ở các quận huyện...

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, so với năm 2019, số dự án căn hộ giảm 14%, số căn nhà ở cũng giảm theo. Phân khúc căn hộ trung cấp tăng mạnh đến 84,6%, phân khúc cao cấp giảm 2,1%. Số lượng nhà ở bổ sung cho thị trường năm qua giảm mạnh theo nhận định của Sở Xây dựng, có thể do nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng cũng như thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020. Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững. 

Theo HoREA, khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp. Tuy nhiên, đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp.

Cụ thể, giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020, ví dụ, giá căn hộ tại khu vực trung tâm của thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm, ở mức khoảng 5.000-7.000 USD/m2; tại khu vực quận 9 khoảng trên dưới 2.000 USD/m2, tùy theo vị trí và đẳng cấp của dự án.

Trong năm 2020, số lượng dự án nhà ở được phép huy động vốn tập trung nhiều nhất tại quận 2, quận 9 (9 dự án mỗi quận), quận 7 (6 dự án). Có 9 quận, huyện có 1 hoặc 2 dự án, gồm quận 1, quận 4, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn. Có 12 quận, huyện chưa có dự án huy động vốn, gồm quận 3, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ.

HoREA dự báo năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP. HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định; chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng "đóng băng" hoặc "bong bóng" bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao. 
 

Từ khoá: HoREA, TP. HCM,
Tin mới lên