Bất động sản

Năm 2020: hàng hoá qua cảng tăng trưởng dương, hành khách giảm sâu

(VNF) - Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, lượng hành khách thông qua cảng sụt giảm mạnh, riêng lượng hàng hoá thông qua các cảng vẫn tăng trưởng tốt.

Năm 2020: hàng hoá qua cảng tăng trưởng dương, hành khách giảm sâu

Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2020 ước đạt 689,07 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,14 triệu Teus, tăng 13% so với năm 2019.

Về hành khách thông qua cảng biển, do tình hình dịch bệnh nên số lượng hành khách thông qua cảng biển trong năm 2020 chỉ ước đạt 5,87 triệu hành khách, giảm 22% so với năm 2019.

Lãnh đạo Cục hàng hải Việt Nam cho biết: Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 06 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động.

Trong đó, có 2 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi).

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 286 bến cảng với khoảng 87,4 km dài cầu cảng, với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm.

Hầu hết các cảng biển hiện do các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác, có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và giao Cục hàng hải Việt Nam làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: Bến cảng Cái Lân (cầu 5,6,7), Bến cảng công-te-nơ ODA Cái Mép, Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và Bến cảng An Thới - Kiên Giang.

Lãnh đạo Cục hàng hải Việt Nam cũng cho hay, trong năm 2020, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, khiến toàn bộ hoạt động thương mại, vận tải, kho bãi đều bị ảnh hưởng.

Các dịch vụ hàng hải tại một số bến cảng tiếp tục gặp những khó khăn nhất định, nhiều bến cảng nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả, thiếu các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại, năng suất khai thác thấp.

Trên cả nước, hiện có 68 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt, hoạt động của các công ty lai dắt tàu biển về cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, có một số hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

"Vì thế, Bộ GTVT đã ban hành quyết định khung giá dịch vụ bốc dỡ container và quyết định giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển (hiện đang rà soát sửa đổi bổ sung), qua đó sẽ hạn chế được tình trạng phá giá, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp", lãnh đạo Cục hàng hải nói.

Tin mới lên