Diễn đàn VNF

‘Năm 2020 tăng trưởng dương nhưng cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh chưa có gì thay đổi về chất’

(VNF) – Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại hội thảo của CIEM tổ chức hôm nay (15/1).

‘Năm 2020 tăng trưởng dương nhưng cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh chưa có gì thay đổi về chất’

PGS.TS Bùi Quang Tuấn

Theo ông Tuấn, năm 2020, Việt Nam có tăng trưởng dương nhưng nếu nhìn sâu thì về cơ bản, cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh “chưa có gì để nói ta có thay đổi căn bản về chất”.

Do đó, ông Tuấn cảnh báo chính phủ không nên chủ quan, thỏa mãn với việc Việt Nam đã lọt vào nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. “Phải rất thận trọng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng không muốn xem xét khiếm khuyết, hạn chế đẩy mạnh cải cách”, ông nói.

Đây cũng là quan điểm của TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ông Bá nhấn mạnh chính phủ “đừng quá chủ quan, tự mãn, bởi nếu có tư tưởng đó, cái giá phải trả là rất đắt”.

Về năm 2021, ông Bá cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục phòng chống dịch. Không chống được dịch thì chắc chắn không có phát triển kinh tế.

“Tôi cho rằng ta đừng nên tham bát bỏ mâm. Gần đây, tôi quan sát thấy dường như có hiện tượng mở toang cửa, du lịch khắp nơi. Ta cần cân nhắc, đừng tham ba đồng du lịch mà mất nhiều đồng đi ‘chữa cháy’ dập dịch”, ông Bá nói.

Theo ông Bá, giải pháp trước mắt và cũng căn cơ đối với phát triển kinh tế Việt Nam không gì khác là cải cách thể chế, làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, luật pháp, chính sách phù hợp, môi trường kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp tiết giảm được chi phí.

Về FDI, ông Bá đồng thuận với chủ trương thu hút FDI có chất lượng nhưng cũng nhấn mạnh tới việc cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đặc biệt là chính sách để hình thành những doanh nghiệp lớn.

Song song với đó, ông Bá cũng đề nghị chính phủ chú trọng phát triển nông nghiệp, vì đây là lĩnh vực căn cơ trong khi giai đoạn hiện nay và tới đây, tình hình thế giới vẫn bất định.

Hai kịch bản tăng trưởng năm 2021

CIEM đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm 2021 cho kinh tế Việt Nam. Ở kịch bản thứ nhất, GDP tăng trưởng 5,98%, lạm phát bình quân 3,51%, tăng trưởng xuất khẩu 4,23%, cán cân thương mại thặng dư 5,49 tỷ USD.

Ở kịch bản 2, GDP tăng trưởng 6,46%, lạm phát bình quân 3,78%, tăng trưởng xuất khẩu 4,23%, cán cân thương mại thặng dư 7,24%.

Cơ sở của kịch bản 1 là GDP của thế giới tăng 4,0% trong năm 2021. Mức giá của Mỹ tăng 1,924%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 12,6%. Giá dầu thô thế giới tăng 11,4%.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD của ngân hàng thương mại giảm 0,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13,0%. Tín dụng tăng 12,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,5%. Dân số tăng 1,08%/năm và việc làm tăng 0,86%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2020. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1%.

Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5% và giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 420 nghìn tỷ đồng.

Cơ sở của kịch bản 2 hầu hết giống như giả thiết ở kịch bản 1, có điều chỉnh ở các nội dung: giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%; giá dầu thô thế giới tăng 20%; tổng phương tiện thanh toán tăng 14%; tín dụng tăng 13%; vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 477,3 nghìn tỷ đồng.

Khuyến nghị chính sách tiền tệ năm 2021, CIEM cho rằng chính phủ nên tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh Covid-19;

Điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu của chính sách tiền tệ; cân nhắc thận trọng dư địa để tiếp tục hạ lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021; nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên.

Về tài khóa, CIEM khuyến nghị chính phủ nên thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đề ra cho năm 2021 và giảm áp lực cho thu ngân sách;

Đồng thời nghiên cứu khả năng điều chỉnh mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho một số nhóm đối tượng phù hợp.

Tin mới lên