Thị trường

Năm 2021: Vàng trong nước tăng thêm 5,4 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới 20%

(VNF) - Giá vàng ngày cuối cùng năm 2021 đã tăng thêm 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 5,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Năm 2021: Vàng trong nước tăng thêm 5,4 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới 20%

Giá vàng trong nước trong năm 2021 có tốc độ tăng mạnh hơn rất nhiều so với vàng thế giới.

Hôm nay (31/12), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 60,95- 61,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hôm nay đang ở mức 1.818,9 USD/ounce.

So với hôm thứ Hai đầu tuần, giá vàng trong nước đã nhích thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới tăng thêm 9 USD/ounce.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn các loại ngày cuối cùng của năm được doanh nghiệp giao dịch quanh mức 52,2- 52,9 triệu đồng/lượng, tương đương mức giá đầu tuần.

Khoảng cách chênh lệch giá mua vào- bán ra của vàng SJC ngày cuối năm vẫn được giữ ở mức 700.000 đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và vàng trong nước hôm nay cũng biến động theo giá vàng. Quy đổi theo tỷ giá, giá vàng thế giới đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 11 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới ghi nhận một phiên tăng 10 USD/ounce trước khi thị trường kết thúc giao dịch năm 2021. Diễn biến của thị trường cho thấy đầu ngày 30/12, giá vàng thế giới gần như biến động quanh mức 1.795 - 1.800 USD/ounce. Thế nhưng, khi dữ liệu kinh tế Mỹ tốt lên và nỗi lo lạm phát tăng cao bao trùm thị trường, giới đầu tư liền tăng sức mua.

Giá vàngngày 31/12 tăng mạnh 22 USD/ounce, từ 1.795 USD/ounce vọt lên 1.817 USD/ounce lúc 4 giờ ngày 31/12. Tiếp đến, giá vàng hôm nay biến động nhẹ rồi giao dịch tại 1.815 USD/ounce lúc 6 giờ cùng ngày.

So với 1 năm trước, ngày 31/12/2020, giá vàng SJC mua vào - bán ra 55,55- 56,1 triệu đồng/lượng, thì giá vàng ngày cuối cùng năm 2021 đã tăng thêm 5,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 5,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng tại SJC đã tăng thêm khoảng 200.000- 350.000 đồng trong 2 tháng cuối năm, khi so với mức chênh mua- bán vàng 400.000- 550.000 đồng/lượng vào các tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý nhất là khỏang cách chênh lệch giữa giá mỗi lượng vàng miếng trong nước với thế giới ngày càng xa. Nếu như ở vào thời điểm đầu năm 2021, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.938 USD/ounce (tương đương 54,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí) và mức chênh với vàng thế giới chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/lượng thì tới đầu tháng 6, mức chênh lệch lên 4 triệu đồng/lượng và mức chênh đạt kỷ lục gần 12 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 11.

Với mức chênh khoảng 11- 12 triệu đồng/lượng như hiện nay, người Việt Nam đang phải mua giá vàng cao hơn giá thế giới tới khoảng 20%. Người mua vàng trong nước thiệt thòi và nhiều người mua đầu tư có thể thua lỗ.

Giá vàng thế giới so với 1 năm trước đã giảm 80 USD/ounce. Trong năm 2021, giá vàng thế giới giảm khoảng 7% sau khi tăng khoảng 27% trong năm 2020.

Giá vàng SJC trong nước trong khi đó trái chiều tăng khoảng 9% trong năm 2021. Nhìn lại năm vừa qua, thị trường vàng trong nước có 2 đợt sóng lớn khi tăng giá mạnh.

Đợt 1, vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, từ mức 55 triệu đồng/lượng hồi tháng 4, vàng SJC vọt lên gần ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới khi đó lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Giữa tháng 11/2021, thị trường vàng trong nước bất ngờ tăng nóng, vàng miếng SJC lên đỉnh cao lịch sử 62 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng được đẩy lên trên mức 61 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn được bán ra quanh mốc 54 triệu/lượng.

Đây cũng là thời điểm mà mức chênh giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục: gần 12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng mạnh trong đợt này bắt nguồn từ việc giá vàng quốc tế tăng cao. Trong phiên 16/11 (giờ Mỹ), giá vàng có lúc lên tới ngưỡng 1.872 USD/ounce (tương đương 53 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí).

Giá vàng trong nước trong năm 2021 có tốc độ tăng mạnh hơn rất nhiều so với vàng thế giới, nguyên nhân chính do tâm lý lo ngại lạm phát và được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế. Nhà nước không cho nhập khẩu vàng. Thị trường vàng trong nước không có nhiều liên thông với thị trường vàng thế giới.

Mặc dù trầm lắng trong năm 2021 nhưng vàng vẫn được đánh giá là một mặt hàng hấp dẫn trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ còn gia tăng. Theo đó, trong năm 2022, lạm phát có thể lên tới 9% và có thể còn cao hơn. Khi lạm phát tăng cao, áp lực bán sẽ mạnh lên trên các thị trường chứng khoán, và vàng sẽ tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 6-7 năm nữa.

Theo chuyên gia từ DailyFX, vàng sẽ lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng sau một thời gian dài kém hấp dẫn hơn các nhiều loại hàng hóa khác.

Dù chịu áp lực giảm nhưng vàng cũng đang có những yếu tố hỗ trợ. Thị trường vàng đang vào mùa vụ cao điểm tiêu thụ. Nhu cầu đối với vàng là một trợ lực lớn trong việc đẩy giá cao hơn từ giữa tháng 12 đến ngày Lễ tình nhân 14/2.. Dự báo vàng có thể lên ngưỡng 1.815 USD trong thời gian tới và có thể lên tới 1.833 USD và sau đó là mốc 1.875 USD.

Tin mới lên