Tài chính quốc tế

Năm Kỷ Hợi: Điểm danh những quốc gia cùng đón Tết Âm lịch với Việt Nam

(VNF) - Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn giữ phong tục đón Tết Âm lịch. Có thể kể đến vài cái tên như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore…

Trung Quốc

Tết Nguyên đán ở Trung Quốc (hay còn gọi là Xuân Tiết) là ngày lễ âm lịch quan trọng nhất đối với người Trung Hoa, kéo dài 15 ngày bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng 15/1 âm lịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ 8/12 âm lịch, hầu hết người dân Trung Quốc sẽ lên đường về quê ăn Tết, đoàn viên với gia đình.

Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ trở nên vắng vẻ sau khi những người lao động tỉnh lẻ về quê đón Tết cùng với gia đình, đây được xem là cuộc "Xuân vận" lớn nhất thế giới.

Theo số lượng từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc, gần 2,99 tỷ chuyến đi dự tính sẽ diễn ra trong đợt đi lại kỳ nghỉ Xuân 2019 từ ngày 22/1 đến ngày 1/3 với số chuyến đi bằng tàu hỏa và máy bay tăng đáng kể.

Tết Nguyên đán của Trung Quốc có nhiều điểm giống với Tết cổ truyền của Việt Nam, ví dụ như đêm giao thừa là ngày dành cho sum họp gia đình. Họ cùng nhau ăn uống, đi lễ chùa cầu may và thăm họ hàng vào đầu năm. Một số gia đình cũng thường tổ chức lễ mừng thọ cho ông, bà.

Những năm gần đây, người Trung Quốc có xu hướng đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết do được nghỉ dài ngày.

Hàn Quốc

Trong văn hóa Hàn Quốc, ngày lễ lớn nhất trong năm chính là Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Seollal, ngày xua đuổi linh hồn xấu xa, điều xui xẻo và chào đón điều tốt lành. Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.

Nghi lễ đầu tiên, gọi là Charye, sẽ diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên sẽ bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Tiếp đến là nghi lễ Sebae. Lớp trẻ sẽ tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi, gọi là Sebaedon.

Trong dịp nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đóng cửa. Người dân nghỉ làm để trở về thăm quê hương, quây quần bên gia đình. Vào đêm 30 Tết, tất cả mọi người đều phải tắm gội bằng nước nóng để thanh tẩy cơ thể, sau đó sẽ mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành lễ cúng tổ tiên.

Mâm cỗ ngày Tết ở Hàn Quốc cũng rất được coi trọng. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà, và món canh bánh gạo.

Người Hàn Quốc chỉ có 3 ngày nghỉ, từ ngày cuối cùng của năm cũ đến ngày mùng 2 Tết. Thậm chí, một số người vẫn đi làm vào những ngày này. 

Mông Cổ

Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch, còn gọi là Tết Tháng Trắng (Tsagaan Sar). Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ. 

Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, mặc quần áo mới, để đón năm mới "sạch sẽ". Món ăn truyền thống trong Tết Tháng trắng, là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô…

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Người Mông Cổ có tục uống trà vào đêm giao thừa và việc này được diễn ra theo một cách khá đặc biệt. Chén trà đầu tiên sẽ được đem ra trước sân vẩy đều khắp 4 hướng, chén thứ 2 dành cho gia chủ, cuối cùng mới tới lượt các thành viên trong nhà.

Món ăn truyền thống trong Tết Tháng Trắng là các sản phẩm làm từ sữa, thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Singapore

Giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán ở Singapore là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm.

Người dân Singapore đón Tết truyền thống cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra với Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, kéo dài từ mùng 1 tết cho đến 15 tháng Giêng âm lịch.

Trong đó, sôi động và đông đúc nhất là Lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng. Hoạt động này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố.

Vào dịp lễ tết, người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Ngoài ra, mâm cỗ Tết nơi đây cũng không thể thiếu các món ăn khác như Yusheng (cá sống), Chang shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt heo, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp),…

Cũng tương tự như ở Việt Nam, tại Singapore, trong dịp lễ này, người thân sẽ dành tặng nhau những phong bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.

Tin mới lên