Diễn đàn VNF

Năng lượng tái tạo phát triển nóng lạnh bất thường: 'Do giá FIT không sát giá thiết bị'

(VNF) - Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển năng lượng tái tạo lúc nóng, lúc lạnh.

Năng lượng tái tạo phát triển nóng lạnh bất thường: 'Do giá FIT không sát giá thiết bị'

Ông Đỗ Đức Quân: ‘Việc phát triển năng lượng tái tạo lúc thì ‘nóng’, lúc thì ‘lạnh’’.

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh” ngày 29/12, ông Đỗ Đức Quân cho biết Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng có xem xét nhiều phương án phát triển nguồn điện, trong đó sẽ ưu tiên mạnh cho việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhưng sẽ được phân kỳ phù hợp để đảm bảo giá điện hợp lý.

Theo đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng dần theo từng năm, cụ thể công suất nguồn điện gió và điện mặt trời có tỷ trọng tăng dần từ 25% vào năm 2025, lên 27% vào năm 2030 và đạt tới 42% vào nằm 2045.

Tuy nhiên, đánh giá trong giai đoạn vừa qua, ông Đỗ Đức Quân cho rằng việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đã có những bất cập như giá bán điện cố định không kịp thời bám sát giá thiết bị chính trên thị trường dẫn đến việc phát triển lúc thì nóng, khi thì lạnh.

Ông Quân lấy ví dụ, đối với điện gió, cơ chế khuyến khích phát triển điện gió ban hành năm 2011 và sửa đổi năm 2018, nhưng đến nay mới có khoảng 500MW điện gió đi vào vận hành, chưa đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 7 sửa đổi là 800MW vào năm 2020.

Trong khi đó, đối với điện mặt trời, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ban hành năm 2017 và năm 2020, nhưng đến hết tháng 10/2020 đã có 106 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất khoảng 6.000MW, vượt xa mục tiêu 850MW vào năm 2020. Nguyên nhân là do thiết bị chính trong nhà máy điện mặt trời giảm khá nhanh.

Một bất cập khác trong phát triển năng lương tái tạo mà ông Quân nêu tại hội thảo đó là việc phát triển lưới điện phân phối truyền tải không đồng bộ với sự phát triển của các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến quả tải lưới truyền tải và giảm công suất phát của một số nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Tại hội thảo, ông Quân nhận định trong thời gian tới, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì Bộ Công Thương cần tập trung vào các nội dung chính, gồm chính sách, hạ tầng truyền tải phân phối và điều độ vận hành hệ thống.

Trong đó, về chính sách, ông Quân cho biết các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.

“Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải”, ông Quân nói.

Bên cạnh đó, ông Quân cũng cho rằng Bộ Công Thương cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân… lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Còn về hạ tầng truyền tải phân phối, theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cần tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ, phát triển thị trường cung cấp dịch vụ phục vụ hệ thống điện và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực.

“Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống điện”, ông Quân nhấn mạnh.

Tin mới lên