Diễn đàn VNF

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% Singapore: Mặt trái của lợi thế lao động giá rẻ

(VNF) - Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% Singapore: Mặt trái của lợi thế lao động giá rẻ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động (theo giá hiện hành) ước đạt 102 triệu đồng/lao động năm 2018, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2018 là 5,77%/năm.

Tính chung giai đoạn 10 năm 2008- 2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philipine (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.

Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Chủ tịch VCCI đánh giá quá trình tăng năng suất trong giai đoạn vừa qua chủ yếu nhờ sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp (khu vực năng suất thấp) sang khu vực công nghiệp, dịch vụ (khu vực năng suất cao). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dư địa cho tăng năng suất dựa trên sự dịch chuyển lao động sẽ không còn nhiều.

Chính vì thế, để tiếp tục thúc đẩy việc tăng năng suất, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, năng suất lao động đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản)- là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao.

Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, vẫn còn khoảng cách lớn giữa năng suất lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam và các nước thu nhập trung bình trong khu vực (như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia) và rất lớn so với các nước công nghiệp (Nhật Bản và Hàn Quốc).

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) tăng tốc và tạo nguy cơ các việc làm có kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại bị mất đi do tự động hóa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ sẵn sàng đối với cuộc CMCN4.0 còn thấp.

Theo ông Lộc, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất là việc thực hiện Phong trào năng suất quốc gia. Từ các kết quả nghiên cứu và các ý kiến tại các hội thảo trên, VCCI đã có công văn đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào năng suất quốc gia ở Việt Nam.

“Phong trào năng suất quốc gia sẽ tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp, các tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý. Chính vì thế mà Việt Nam cần xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất - một yếu tố quan trọng cho thành công của các chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực”, ông Lộc cho hay.

Tin mới lên