Bất động sản

Nếu ACV về Bộ Giao thông, mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có ‘phá sản’?

(VNF) - Vào tháng 12/2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 2447/TTg-ĐMDN về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đến năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành cổ phần hoá 11 Tổng công ty trực thuộc Bộ. Sau 4 năm thành công trong mô hình cổ phần hoá, Bộ GTVT bất ngờ “xin lại” Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Điều này, liệu có đi ngược với quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Nếu ACV về Bộ Giao thông, mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có ‘phá sản’?

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong 11 Tổng công ty ngành giao thông đã cổ phần hoá thì ACV là đơn vị “dư tiền” nhất và có mức lãi khủng nhất trong nhiều năm qua.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV ACV bật mí, “nói thật chúng tôi đang có khối tiền mặt gửi ngân hàng khoảng 25.000 tỷ đồng. Từ nay đến 2025, chúng tôi sẽ tích lũy được 87.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2030, chúng tôi tích lũy 130.000 tỷ đồng nữa”.

Rõ ràng, với mô hình cổ phần hoá, ACV là một đơn vị làm ăn có lãi nhất toàn ngành giao thông. Không những thế, đơn vị này chuẩn bị là "ông chủ" một loạt dự án "siêu lớn" sắp được triển khai, ví dụ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nhà ga T3, Tân Sơn Nhất; nhà ga T3, Nội Bài….

Tại sao ACV đang lãi lớn như vậy mà Bộ GTVT nhất quyết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho mua lại 4,6% cổ phần đã bán để Tổng công ty này quay trở lại mô hình “doanh nghiệp nhà nước” thuộc Bộ?

Lý giải về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng: “Trước khi thực hiện cổ phần hóa, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Lúc đó, thông qua kế hoạch đầu tư phát triển của ACV, Bộ GTVT chấp thuận cho ACV đầu tư các dự án phát triển cảng hàng không, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. ACV chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan bằng nguồn vốn của ACV”.

“Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2016, ACV đã cổ phần hóa việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không gặp rất nhiều khó khăn. Vì theo quy định của pháp luật, các hạng mục trên thuộc tài sản Nhà nước và phải đầu tư bằng ngân sách”.

“Trong khi đó nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016 - 2020 và nguồn ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng hàng không vẫn chưa được bố trí. Còn ACV đã cổ phần hóa nên không thể bỏ vốn của doanh nghiệp này để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”.

“Do đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, xây dựng đề án theo hướng giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025”.

“Sau thời hạn trên, giao Bộ Giao thông vận tải tổng kết đánh giá, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc chuyển tài sản kết cấu hạ tầng hàng không cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng không quản lý, sử dụng”.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng: "Việc giao cho ACV quản lý, khai thác sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

“Đồng thời, đảm bảo kết cấu hạ tầng hàng không vẫn được ACV bảo trì, đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn bay trong bối cảnh tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, chưa bố trí kịp thời cho lĩnh vực hàng không", ông Thọ nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty chứng khoán SSI, “nếu vì an ninh quốc gia nhà nước cần sở hữu 100% ACV thì đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại ACV chỉ cần làm thủ tục chào mua công khai trên thị trường chứng khoán”.

“Nhưng bất kể một giải pháp phi thị trường nào nếu mang ra áp dụng thì đều ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng như lòng tin với các chủ trương chính sách của Chính phủ”, ông Hưng nói.

ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1/4/2016, sau khi đã thực hiện chào bán hơn 77,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao địch chứng khoán TP. HCM.

Đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nắm 95,4% cổ phần của ACV, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác nắm 0,87%.

Năm 2018 ACV có tổng giá trị tài sản hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 6.000 tỷ đồng.

ACV chi thêm 265 tỷ đồng vào dự án sân bay Long Thành nửa đầu năm 2019

Tin mới lên