Tiêu điểm

'Nếu bỏ chức năng thanh tra của Cục Thuế, Hải quan, ngân sách nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ'

(VNF) - Đó là ý kiến của Bộ Tài chính, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn ra, nhằm bảo vệ cho quan điểm ủng hộ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục là đơn vị ngành dọc đóng tại địa phương hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

'Nếu bỏ chức năng thanh tra của Cục Thuế, Hải quan, ngân sách nguy cơ thất thu hàng nghìn tỷ'

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Sáng 25/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình về 6 vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ý kiến. Đáng chú ý nhất là việc tổ chức cơ quan thanh tra các cấp.

Đề nghị giữ Thanh tra huyện

Cụ thể, về Thanh tra huyện (Mục 6 Chương II), báo cáo cho biết đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo luật về việc tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý, chấn chỉnh ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng…

"Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ không phát sinh tổ chức, biên chế

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục (Điều 18), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong luật tiêu chí thành lập. Một số ý kiến khác đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì luật quy định Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức đơn vị tham mưu về công tác thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Việc thành lập này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội quy định rõ trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sau khi Luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc và thực sự cần thiết, có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.

Về ý kiến đề nghị thành lập cơ quan thanh tra tại một số Cục thuộc Tổng cục là đơn vị ngành dọc đóng tại địa phương hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại Cục là đơn vị đóng tại địa phương thuộc Tổng cục.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy để đáp ứng yêu cầu quản lý, một số luật hiện hành như Luật Quản lý thuế, Luật Thống kê đã quy định giao các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương (Cục Thuế, Cục Hải quan, Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan địa phương, Cục Thống kê cấp tỉnh) thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017 - 2021 các đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại 63 Cục Thuế cấp tỉnh đã thực hiện hơn 31 nghìn cuộc thanh tra, chiếm 99% tổng số cuộc thanh tra của toàn ngành, qua đó thu hơn 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78% số thu qua thanh tra toàn ngành. Như vậy, nếu không tổ chức cơ quan thanh tra tại Cục Thuế địa phương thì chỉ với đội ngũ công chức tại Thanh tra Tổng cục Thuế không thể đảm đương được khối lượng công việc rất lớn mà các cơ quan thanh tra thuế tại địa phương đang đảm nhiệm. Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ chức năng thanh tra của Cục Thuế, Cục Hải quan (tỉnh, khu vực) thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu thuế nhiều nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra (khoản 3 Điều 18 của dự thảo luật). Việc ràng buộc điều kiện “được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra” sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đối với Chi cục đóng tại địa phương, do hoạt động của Thanh tra Cục có thể bao quát được yêu cầu về thanh tra ở các địa bàn Chi cục phụ trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Chi cục.

Giao UBND tỉnh lập Thanh tra Sở là phù hợp 

Về Thanh tra sở (Mục 5 Chương II), báo cáo cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo luật quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho UBND cấp tỉnh, vì sẽ dẫn đến tình trạng thực hiện thiếu thống nhất. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở thành lập tổ chức Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trong cả nước, còn lại giao UBND cấp tỉnh quyết định để phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo cơ sở để khắc phục tình trạng “dàn đều” biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến nhiều nơi chỉ bố trí được 2-3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý việc phân quyền cho địa phương quyết định thành lập Thanh tra sở cần được tiến hành từng bước, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm nhưng không thành lập cơ quan thanh tra.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: theo quy định của luật; tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.

Tin mới lên