Tài chính

Nếu HAGL bán đi mảng mía đường…

(VNF) – Chấp nhận bán một hoặc một vài mảng kinh doanh để lấy một lượng lớn tiền cơ cấu nợ là quyết định không tồi, thậm chí là nếu HAGL thực hiện việc này sớm hơn thì bình minh có thể đã sớm ló rạng với tập đoàn này.

Nếu HAGL bán đi mảng mía đường…

HAGL có thể bán đi mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công

Từ thế đe dọa thành thế chân tường

Còn nhớ cuối năm 2013, hiệp hội mía đường Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có ý định bán khoảng 30.000 – 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu, Lào cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vì lo ngại miếng bánh xuất khẩu đường sang Trung Quốc của các doanh nghiệp đường Việt Nam sẽ bị nhỏ lại đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến phá sản ở nhiều doanh nghiệp đường.

Dù Hiệp hội mía đường phản đối nhưng ở thời điểm đó, công luận lại rất ngợi khen HAGL vì tập đoàn này có thể sản xuất ra đường với quy mô công nghiệp lớn, tạo ra mức giá rất cạnh tranh, đồng thời cho rằng việc các doanh nghiệp mía đường trong nước kém cạnh tranh là do bản thân họ không thể cải thiện năng suất và sản xuất với quy mô công nghiệp, với công nghệ hiện đại mà chỉ luôn chăm chăm vào bảo hộ từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên, gió đã đảo chiều. Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì HAGL đang muốn bán nhà máy mía đường tại Lào cho Tập đoàn Thành Thành Công. Tập đoàn Thành Thành Công cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa.

Nỗi sợ của các doanh nghiệp trong nước đối với mảng mía đường của HAGL giờ trở thành cơ hội để họ thâu tóm chính mảng mía đường của chính HAGL trong tình cảnh HAGL đang ngập trong nợ nần. Và hẳn nhiên đây là thời điểm thâu tóm tốt nhất với giá rẻ nhất.

Áp lực trả nợ lớn đến đâu?

Nếu HAGL bán mảng mía đường đồng nghĩa với việc tập đoàn này đã bán đi trụ cột kinh doanh, và HAGL Agrico cũng theo đó mà teo tóp đi. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Nếu HAGL bán mảng mía đường thì điều này còn hàm chứa 3 khả năng. Một là HAGL có thể không được đồng ý tái cơ cấu nợ nên phải bán tài sản mảng mía đường đi mới có tiền trả nợ đến hạn. Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016 thì Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, nợ đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ ngày 30/06/2016 của HAGL đã lên đến 12.343 tỷ đồng, tăng vọt 48,7% so với thời điểm kết thúc ngày 31/12/2015.

Khả năng thứ hai là việc bán mảng mía đường nằm trong lộ trình tái cơ cấu nợ mà các chủ nợ yêu cầu HAGL phải thực hiện.

Khả năng thứ ba là kể cả khi được đồng ý tái cơ cấu nợ thì áp lực trả nợ vẫn quá lớn hoặc/và dòng tiền vẫn rất khó khăn nên HAGL vẫn buộc lòng phải bán đi mảng mía đường. Nếu khả năng này xảy ra thì tương lai của HAGL thực sự rất mịt mờ.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khác

HAGL đã bán mảng khai khoáng. HAGL tiếp tục bán một phần vốn tại HAGL Land – chủ sở hữu dự án HAGL Myanmar Center – cho Công ty Bamboo Capital với giá 1.680 tỷ đồng. HAGL liên tục bán thanh lý các dự án bất động sản như bán dự án Khu phức hợp tại Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hay bán dự án bất động sản tại TP. HCM dù chịu lỗ 413 tỷ đồng.

Sắp tới có thể HAGL sẽ bán tiếp mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công.

Nhưng nỗi buồn của người bán lại là niềm vui của người mua. HAGL bán tài sản trong hoàn cảnh khó khăn thì dĩ nhiên sẽ không bán được giá tốt vì người mua biết tình trạng của tập đoàn này. Đây rõ ràng là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính.

Dù rất đau khi phải chấp nhận "cắt từng khúc ruột" nhưng việc nhanh chóng từ bỏ một/một vài mảng kinh doanh để ngay lập tức kiếm về một khoản tiền lớn để cơ cấu nợ có thể là lối thoát không tồi đối với HAGL và các chủ nợ.

Biết đâu nếu HAGL chấp nhận và thực hiện việc này sớm hơn ngay từ khi hiểu được tình cảnh nợ nần của họ thì có thể đến thời điểm này, bình minh đã lại ló rạng với HAGL.

Tin mới lên