Tài chính quốc tế

Nga ‘bật đèn xanh’ cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất ‘rồng lửa’ S-500

(VNF) - Giám đốc điều hành tập đoàn Rostec của Nga, ông Sergei Chemezov, cho biết Nga sẵn sàng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác ưu tiên trong dự án chế tạo hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus.

Nga ‘bật đèn xanh’ cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất ‘rồng lửa’ S-500

Nga ‘bật đèn xanh’ cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất ‘rồng lửa’ S-500.

“S-500 đang trong quá trình phát triển và sẽ trở thành hệ thống phòng thủ không có đối thủ xứng tầm trên thế giới trong tương lai. Mỗi nước chúng ta đều có những năng lực và thế mạnh riêng. Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh và mong muốn phía Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác trong dự án phát triển hệ thống S-500", ông Chemezov khẳng định.

Tuyên bố của ông Chemezov được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xác nhận trong cuộc phỏng vấn với Kanal 24 hồi tháng 3 rằng Ankara sẵn sàng mua thêm hệ thống S-500 của Nga trong tương lai:

“Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận, nhiều khả năng chúng tôi sẽ chia sẻ công nghệ để hợp tác sản xuất tên lửa phòng không. Có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét lựa chọn mua các hệ thống S-500 sau khi hoàn tất hợp đồng S-400".

Ông Erdogan cũng cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng tới việc sản xuất chung hệ thống S-500 thế hệ mới với Nga.

Tổ hợp S-500 Prometey sở hữu nhiều tính năng được đánh giá là vượt trội so với vũ khí cùng loại trên thế giới. S-500 được thiết kế để có thể thực hiện cả nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo, tương đương vai trò của hai tổ hợp S-400 và A-135 của quân đội Nga hiện nay.

Ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành tập đoàn Rostec của Nga.

Trong nhiệm vụ phòng không, S-500 có tầm bắn 400 km và đủ sức tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 40 km và tốc độ 25.200 km/h. Với khả năng này, S-500 có thể hạ mọi chiến đấu cơ siêu thanh trên thế giới.

Đối với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo, S-500 đạt tầm bắn khoảng 500-600 km, có thể theo dõi tới 20 mục tiêu cùng lúc và đánh chặn đồng thời 5-10 tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối hoặc giữa hành trình. Ngoài ra, S-500 còn được phát triển để bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ.

Trước đó, Moscow và Ankara đã kí hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD nhằm cung cấp 4 tiểu đoàn S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2017. Nếu thương vụ này thành công, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thứ 4 trên thế giới sở hữu hệ thống này sau Nga, Belarus và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã nhiều lần đe dọa rằng Ankara sẽ phải đối mặt với "những hậu quả nặng nề" nếu nước này tiếp tục kế hoạch mua hệ thống tên lửa của Nga.

Xem thêm >> Máy bay Boeing 737 chở hơn 140 người gặp nạn tại Mỹ

Tin mới lên