Tài chính quốc tế

Nga cảnh báo xuất khẩu dầu qua một trong những đường ống lớn nhất thế giới giảm mạnh

(VNF) - Xuất khẩu dầu của Nga và Kazakhstan thông qua Hiệp hội Đường ống Caspi (CPC) từ Biển Đen có thể giảm tới 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd), hoặc 1% sản lượng dầu toàn cầu, do CPC bị bão làm hỏng thiết bị tải, một quan chức Nga cho biết hôm 22/3.

Nga cảnh báo xuất khẩu dầu qua một trong những đường ống lớn nhất thế giới giảm mạnh

Một phần của Hiệp hội Đường ống Caspi (CPC) tại Nga.

Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin, một cơn bão ở khu vực Biển Đen của Nga đã làm hư hỏng thiết bị tải của CPC, một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, vận chuyển dầu thô từ Kazakhstan đến các thị trường toàn cầu.

Việc bảo trì CPC có thể kéo dài đến 2 tháng, điều này có thể dẫn đến xuất khẩu giảm tới 1 triệu thùng/ngày.

Trước đó, CPC đã trở thành tâm điểm chú ý từ khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2. Là một trong những đường ống lớn nhất thế giới, vận chuyển khoảng 1,2% nhu cầu dầu toàn cầu (tương đương 1,2 triệu thùng mỗi ngày), nên bất kỳ sự gián đoạn nào với dòng chảy này sẽ gây thêm căng thẳng cho thị trường dầu toàn cầu vốn đang đối mặt một trong những đợt suy giảm nguồn cung tồi tệ nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào những năm 1970.

Phần lớn dầu trong đường ống thuộc về Nga, Kazakhstan và các công ty dầu khí quốc tế như Chevron (CVX.N). Nó xuất khẩu dầu từ cảng Novorossiisk ở Biển Đen của Nga. Và mặc dù Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga, nhưng các dòng chảy từ Kazakhstan qua Nga sẽ không bị gián đoạn.

Trong một diễn biến khác liên quan tới ngành dầu mỏ bị trừng phạt của Nga, ngày 22/3, tập đoàn dầu khí lớn của Pháp TotalEnergies (TTEF.PA) cho biết sẽ không gia hạn hợp đồng cung cấp dầu khí và dầu thô của Nga cho nhà máy lọc dầu của Đức, thay vào đó sẽ lấy dầu khí từ Ả Rập Saudi và dầu thô từ Ba Lan.

Theo thông báo của hãng, do tình hình căng thẳng tại Ukraine và có các nguồn cung thay thế, TotalEnergies đã đơn phương quyết định không ký kết hoặc gia hạn hợp đồng mua dầu và các sản phẩm xăng dầu của Nga, hướng tới mục tiêu chấm dứt mọi hoạt động này muộn nhất là vào cuối năm 2022.

Tuy vậy, theo quyết định của Liên minh châu Âu về việc duy trì nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong giai đoạn này, hãng sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu từ nhà máy Yamal, tức là sẽ tiếp tục việc mua khí đốt từ Nga.

Trong khi ngành dầu khí thế giới đang đối mặt với những thay đổi mang tính quyết định, thì cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập mới đây cho biết sẽ tạm thời tăng phụ phí đối với các tàu chở dầu thô chất đầy và các tàu chở sản phẩm dầu mỏ đi qua kênh đào theo cả hai chiều từ 5% lên mức 15% phí thông thường, có hiệu lực từ ngày 1/5.

Ngoài ra, các tàu chở dầu thô dằn và các tàu chở sản phẩm dầu mỏ đi qua Kênh theo cả hai chiều vẫn phải trả một khoản phụ phí là 5% phí vận chuyển thông thường.

Cơ quan quản lý kênh đào giải thích những thay đổi với tàu chở dầu thô là để "phù hợp với sự tăng trưởng đáng kể trong thương mại toàn cầu, sự cải thiện kinh tế của tàu thuyền, sự phát triển đường thủy của Kênh đào Suez và tăng cường dịch vụ vận tải".

Phụ phí cũng được áp dụng đối với các tàu chở hóa chất và các tàu chở chất lỏng rời khác, tăng lên 20% so với phí vận chuyển thông thường, từ mức 10% trước đây.

"Các khoản phụ phí này là tạm thời và có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ tùy theo điều kiện thị trường của ngành hàng hải", một thông tư của cơ quan quản lý kênh đào cho biết.

Xem thêm >> Bị châu Âu ‘tẩy chay’, Nga chuyển hướng dầu thô sang Ấn Độ

Tin mới lên