Tài chính quốc tế

Nga 'chặn' Dòng chảy phương Bắc, đồng EUR xuống thấp nhất 2 thập kỷ

(VNF) - Ngày 5/9, đồng EUR đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm và giá khí đốt tăng tới 35% sau khi Nga quyết định tạm hoãn vô thời hạn hoạt động của đường ống dẫn khí đốt lớn đến châu Âu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này.

Nga 'chặn' Dòng chảy phương Bắc, đồng EUR xuống thấp nhất 2 thập kỷ

Đồng EUR giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm sau khi Nga tạm ngưng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Ngày 5/9, đồng tiền chung châu Âu giảm 0,7% xuống 0,988 USD trong giao dịch ở London, mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm, với chỉ số Stoxx 600 trong khu vực giảm 1%, Dax của Đức giảm 1,7% và Cac 40 của Pháp giảm 1,8 %. Chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,7%.

Trên thị trường năng lượng, hợp đồng khí đốt TTF của Hà Lan, hợp đồng tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng 30% lên 272 EUR/megawatt giờ, tiến dần tới mức cao nhất mọi thời đại đạt trên 340 EUR chỉ chưa đầy 2 tuần trước.

Giá khí đốt kỳ hạn tăng tới 35%, cao nhất trong gần 6 tháng, đi kèm với giá điện tăng.

Mức tăng giá mới diễn ra khi các thủ đô châu Âu phải vật lộn để kiềm chế những lo ngại ngày càng tăng về việc Nga “vũ khí hóa” nguồn cung cấp khí đốt cho lục địa này.

Trước đó, ngày 2/9, Nga đình chỉ vô thời hạn các dòng khí đốt tự nhiên qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), tiếp tục điều chỉnh nguồn cung năng lượng của châu Âu và làm gia tăng rủi ro suy thoái trong khối. Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết việc đình chỉ là do lỗi kỹ thuật tại 1 tuabin bơm khí trong quá trình bảo trì.

Việc Nga tuyên bố đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các nước G7 công bố kế hoạch tiến tới giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga trong nỗ lực giảm nguồn thu của Moscow.

Các nhà phân tích tại RBC Capital Markets ở London cho biết: “Đây là một kịch bản từ lâu đã khiến các thị trường lo ngại, nhưng dường như giờ đây đã trở thành hiện thực”.

Các quốc gia châu Âu, bao gồm Thụy Điển và Phần Lan, đã chạy đua vào cuối tuần để tung ra các gói trợ cấp của chính phủ, “cứu nguy” cho các ngành tiện ích đang gặp khó khăn, cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp, thị trường năng lượng có thể đe dọa đến hệ thống tài chính.

Ngành năng lượng Anh cũng cảnh báo các nhà máy phát điện cũng có thể cần sự hỗ trợ của chính phủ. Đồng bảng Anh đã giảm 0,3% xuống 1,1476 USD trong giao dịch gần đây.

Các nhà phân tích cho biết bước ngoặt mới nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ góp phần không nhỏ vào việc hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong thời gian tới.

Theo dự báo của một số ngân hàng đầu tư lớn, bao gồm JPMorgan, Bank of America và Goldman Sachs, ECB sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1999, để “chống chọi” với mức lạm phát kỷ lục.

Brian Martin, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế G3 tại ANZ cho biết: “Nhiệm vụ của ECB rất phức tạp do sự không chắc chắn về nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Quyết định không tái khởi động dòng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 của Moscow làm tăng rủi ro tăng trưởng giảm đồng thời làm tăng triển vọng lạm phát”.

Xem thêm >> Trước kịch bản Nga cắt hoàn toàn khí đốt, EU tuyên bố ‘sẵn sàng ứng phó’

Tin mới lên