Tài chính quốc tế

Nga chính thức ‘xé bỏ’ hiệp ước hữu nghị dài 2 thập kỷ với Ukraine

(VNF) - Nga đã gửi công hàm ngoại giao cho Ukraine thông báo về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa hai nước.

Nga chính thức ‘xé bỏ’ hiệp ước hữu nghị dài 2 thập kỷ với Ukraine

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin.

Trong bài đăng trên Facebook ngày hôm qua (12/3), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin xác nhận Kiev đã nhận được công hàm này.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Olena Zerkal, công hàm ngoại giao của phía Nga có 12 trang, đưa ra một lời xác nhận rằng Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày 1/4 tới đây.

Hiệp ước này được ký vào tháng 5/1997 và có hiệu lực vào tháng 4/1999 trong thời hạn 10 năm. Văn kiện này bao gồm điều khoản về tự động gia hạn thêm 10 năm nữa nếu các bên không phản đối. Ngược lại, hiệp ước sẽ bị hủy bỏ.

Hiệp ước nói trên quy định nguyên tắc hợp tác chiến lược và các tuyên bố bất khả xâm phạm những đường biên giới hiện có, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nghĩa vụ tương ứng của hai bên trong việc kiềm chế sử dụng các vùng lãnh thổ của mình để gây tổn hại cho an ninh của đối phương.

Tháng 9/2018, Ukraine đã thông báo chính thức cho Nga về ý định rút khỏi Hiệp ước này.

Tới tháng 12/2018, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã trình dự luật khẩn lên Quốc hội về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga.

Với 277 phiếu thuận, Quốc hội Ukraine ngày 6/12 đã ủng hộ dự luật này. Theo dự luật, hiệp ước hữu nghị giữa hai nước sẽ chính thức chấm dứt từ ngày 1/4/2019.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc Moscow hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.

Tình trạng căng thẳng tiếp tục leo thang sau khi Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) hồi tháng 11 xác nhận các tàu của hải quân nước này đã dùng vũ khí chặn và bắt giữ bộ ba tàu Ukraine có hành vi xâm phạm lãnh hải Nga ở gần Crimea một cách bất hợp pháp.

Trong khi đó, Ukraine cáo buộc tàu Nga nổ súng khi ba tàu của họ đã rút khỏi khu vực cách lãnh hải Nga 20 km.

Phía Ukraine đã nhiều lần đưa ra cáo buộc rằng Nga đang lợi dụng căng thẳng ở khu vực này nhằm hạn chế hàng hải của Ukraine trên phần biển chủ quyền và có mưu đồ thâu tóm toàn bộ biển Azov.

Thêm nữa, việc Nga muốn ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu thông qua Ukraine và thay thế bằng dự án vận chuyển khí đốt mới Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) cũng khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Tuy nhiên, cả Liên minh châu Âu (EU) và Đức đều muốn đảm bảo rằng Ukraine vẫn sẽ là quốc gia quá cảnh cho khí đốt Nga và chắc chắn các cuộc đàm phán để phá vỡ bế tắc hiện nay sẽ vô cùng khó khăn.

Xem thêm >> Nhiều hãng hàng không Mỹ bị ‘vạ lây’ sau loạt sự cố của Boeing 737 MAX

Tin mới lên