Tài chính quốc tế

Nga không chấp nhận trần giá dầu, Điện Kremlin lên phương án trả đũa

(VNF) - Moscow không có kế hoạch công nhận mức trần giá do phương Tây áp đặt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 4/12, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ hiện đang tiến hành đánh giá tình hình.

Nga không chấp nhận trần giá dầu, Điện Kremlin lên phương án trả đũa

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov.

"Chúng tôi đang đánh giá tình hình. Một số biện pháp chuẩn bị cho mức trần như vậy đã được thực hiện. Chúng tôi sẽ không chấp nhận mức giá trần và chúng tôi sẽ thông báo cách thức tổ chức công việc sau khi kết thúc đánh giá", phát ngôn viên của Điện Kremlin tuyên bố với báo giới hôm 4/12.

Trước đó, vào ngày 2/12, Liên minh châu Âu cuối cùng đã đồng ý giới hạn giá dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Việc áp trần giá với sản phẩm dầu thô của Nga do Mỹ đề xuất và được Nhóm G7 ủng hộ vào tháng 9. 

Mục đích của biện pháp này là làm tổn hại tài chính của Moscow trong khi tránh giá dầu tăng đột biến nếu dầu của Nga đột ngột bị loại khỏi thị trường toàn cầu.

Các công ty bảo hiểm và các công ty khác cần vận chuyển dầu sẽ chỉ có thể giao dịch với dầu thô của Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn mức trần. Hầu hết các công ty bảo hiểm ở EU hoặc Vương quốc Anh đều được yêu cầu tham gia vào giới hạn.

Mức trần này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12, cùng ngày EU áp đặt tẩy chay đối với hầu hết dầu của Nga, đặc biệt là sản phẩm dầu thô của Moscow được vận chuyển bằng đường biển. 

Các phương án 'trả đũa' Nga có thể đưa ra

Từ thời điểm EU bắt đầu bàn luận về mức giá trần với mặt hàng dầu thô, Nga đã nhiều lần cho biết em sẽ không tuân thủ mức giới hạn và sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia ủng hộ biện pháp này. Nga có thể trả đũa bằng cách ngừng vận chuyển dầu tới EU với hy vọng thu được lợi nhuận từ giá dầu toàn cầu cao hơn từ các người mua thay thế khác.

Nga, nhà sản xuất dầu số 2 thế giới, đã định tuyến lại phần lớn nguồn cung của mình cho Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu sau khi các khách hàng phương Tây xa lánh sản phẩm dầu thô có nguồn gốc tại nước này.

Người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể không đồng ý với mức trần, trong khi Nga hoặc Trung Quốc có thể cố gắng thành lập các nhà cung cấp bảo hiểm của riêng họ để thay thế những nhà cung cấp bị cấm bởi Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu.

Nga cũng có thể bán dầu ngoài sổ sách bằng cách sử dụng các tàu chở dầu “hạm đội đen” với quyền sở hữu không rõ ràng, như Venezuela và Iran đã làm. Dầu có thể được chuyển từ tàu này sang tàu khác và trộn với dầu có chất lượng tương tự để che giấu nguồn gốc của nó.

Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, mức trần sẽ khiến việc bán dầu của Nga “tốn kém, mất thời gian và cồng kềnh” hơn khi phải vượt qua các hạn chế. Ví dụ, với những người mua châu Á xa xôi, Moscow cần tăng gấp bốn lần sức chứa của tàu chở dầu, và không phải ai cũng sẽ mua bảo hiểm của Nga.

Tác động của các mức giá trần khác nhau

Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, cho biết mức trần 60 USD sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga. Ông nói, điều đó “gần như sẽ không được chú ý”, bởi vì mức giá trần hiện không chênh lệch nhiều với giá giao thương dầu thô Nga. 

Ông Tagliapietra nói: “Trước mắt, mức trần không phải là một con số thỏa mãn, nhưng nó có thể ngăn Điện Kremlin thu lợi nếu giá dầu đột ngột tăng cao hơn và mức giới hạn thấp hơn".

Maria Shagina, một chuyên gia về trừng phạt tại Viện Chiến lược Quốc tế, cho biết tranh cãi về nơi đặt giới hạn cho thấy sự bất đồng về mục tiêu theo đuổi: làm tổn hại đến nền tài chính của Nga hay kiềm chế lạm phát, với việc Mỹ đứng về phía kiểm soát tăng giá.

“60 USD tốt hơn là không thể đạt được sự đồng thuận giữa các quan chức EU. Rõ ràng là họ có thể sửa đổi nó sau này để phản ánh các điều kiện trên thị trường và thắt chặt nó”, bà Shagina nói.

Nếu mức trần ở khoảng 50 USD, nó sẽ cắt giảm thu nhập của Nga và khiến Moscow không thể cân bằng ngân sách nhà nước, theo nhận định từ ABC News. Tuy nhiên, mức giới hạn 50 USD vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga là từ 30 - 40 USD/thùng.

Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, đã tweet vào tuần trước rằng mức trần 30 USD sẽ “đem đến cho Nga cuộc khủng hoảng tài chính mà nước này đáng phải chịu”.

Xem thêm >> Vượt ‘ải cuối’ Ba Lan, EU chính thức áp trần giá dầu của Nga 60 USD/thùng

Tin mới lên