Tài chính quốc tế

Nga ngừng tuabin Dòng chảy phương Bắc, dòng khí đốt tới châu Âu chỉ còn 20%

(VNF) - Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây thông báo kể ngày 27/7, lượng khí đốt xuất khẩu tới châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sẽ tiếp tục bị cắt giảm, chỉ còn tương đương 20% công suất thông thường.

Nga ngừng tuabin Dòng chảy phương Bắc, dòng khí đốt tới châu Âu chỉ còn 20%

Mới quay trở lại hoạt động 40% trong tuần trước, Nord Stream 1 lại siết nguồn cung khí đốt sang EU.

Công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga cho biết đang tạm dừng hoạt động của một trong hai tuabin cuối cùng đang hoạt động do "tình trạng kỹ thuật của động cơ". Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm lượng khí cung cấp hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất của đường ống.

Mức 33 triệu m3/ngày cũng tương đương với một nửa công suất dòng chảy hiện tại, do Nord Stream 1 mới quay trở lại hoạt động vào tuần trước sau 10 ngày bảo trì và chưa thể hoạt động hết công suất.

Theo một báo cáo trước đó của Kommersant, một vài trong số 9 tuabin tại trạm máy nén Portovaya đang cần được sửa chữa. Thông thường một tuabin mất khoảng 3 tháng để đại tu. Thỏa thuận cấp phép hiện tại cho phép Siemens Energy của Đức chấp nhận sửa chữa thêm 5 tuabin nữa trước cuối năm 2024.

Trước đó, một tuabin Siemens đã được gửi đến Montreal (Canada) để sửa chữa và không được trả lại đúng hạn do các lệnh trừng phạt của Ottawa đối với Moscow. Gazprom đã viện dẫn sự chậm trễ này là lý do khiến dòng khí đốt sang Đức giảm 60% trong tháng trước. Tuy nhiên, hiện Canada đã chấp thuận gửi trả bộ phận này.

“Chúng tôi đang theo dõi tình hình sát sao và trao đổi chặt chẽ với cơ quan mạng lưới liên bang và nhóm xử lý khủng hoảng khí đốt”, Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố sau thông báo của Gazprom.

"Theo thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào cho việc giảm số lượng khí đốt được giao", đại diện Bộ kinh tế Đức nói.

Thông báo của Gazprom cũng được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ Liên minh châu Âu đang thảo luận về kế hoạch tiết kiệm 15% khí đốt nhằm tránh một cuộc khủng hoảng mùa đông nếu Điện Kremlin ngắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu. Mục tiêu của EU hiện nay là sử dụng ít khí đốt hơn để lấp đầy các kho dự trữ cho mùa đông.

Người đứng đầu Liên minh châu Âu tuần trước cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng như một “vũ khí tống tiền” và kêu gọi 27 quốc gia thành viên chấp nhận mục tiêu tiết kiệm khí đốt tự nguyện 15%. Mục tiêu này có thể trở thành mục tiêu bắt buộc nếu Brussels tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nguồn cung.

Quyết định chính thức được kỳ vọng sẽ được đưa ra sau cuộc họp của 27 bộ trưởng năng lượng của khối tại Brussel ngày 26/7. Tuy nhiên, trước mắt, đề xuất này đã bị phản đối bởi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những quốc gia tương đối biệt lập với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của EU. Ngoài ra, Pháp, Italy, Hy Lạp và Ba Lan cũng không ủng hộ đề xuất này.

Xem thêm >> Dòng chảy phương Bắc 1 vận hành lại sau 10 ngày bảo trì

Tin mới lên