Tài chính quốc tế

Nga: Người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên khi Dòng chảy phương Bắc 2 bị ‘đóng băng’

(VNF) - Phía Nga cho rằng việc Liên Minh châu Âu (EU) chưa phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên vì phải trả mức giá thành cao hơn.

Nga: Người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên khi Dòng chảy phương Bắc 2 bị ‘đóng băng’

Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov cho rằng người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên khi Dòng chảy phương Bắc 2 bị ‘đóng băng’.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/12, Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov cho biết Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom hiện có đủ nguồn khí đốt và đủ tiềm lực để cung cấp cho châu Âu thông qua các tuyến đường ống hiện hữu qua Ukraine hoặc Ba Lan.

Tuy nhiên, theo ông Chizhov, cách thức vận chuyển này sẽ khiến giá thành đến tay người dùng ở châu Âu đắt hơn bởi khách hàng sẽ phải trả thêm phí vận chuyển cùng các khoản chi phí khác, độ tin cậy của quá trình vận chuyển khí đốt cũng thấp hơn.

Ông Chizhov cũng cho biết thời điểm cấp phép hoạt động cho Dòng chảy phương Bắc 2 là vấn đề chính trị của châu Âu chứ không liên quan tới vấn đề kỹ thuật hay pháp lý.

Cũng theo đại diện thường trực của Nga tại EU, việc “chần chừ” phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu chịu thiệt thòi trước tiên bởi khí đốt vận chuyển qua đường ống này được thực hiện theo các hợp đồng dài hạn, vì thế mức giá lúc nào cũng cạnh tranh và rẻ nhất.

Ở động thái liên quan, Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev mới đây cũng kêu gọi nhanh chóng đưa vào vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 bởi theo quan điểm của ông việc trì hoãn khởi động dự án không có lợi cho cả hai bên.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 16/11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) lại đưa ra kết luận rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chưa tuân thủ luật pháp Đức.

Tới ngày 16/12, cơ quan quản lý năng lượng Đức cho biết "sẽ không có quyết định nào" về việc cấp phép thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong 6 tháng đầu năm 2022.

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp chung của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Khoa học, Giáo dục ngày 24/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lưu ý rằng việc châu Âu “đóng băng” Dòng chảy phương Bắc 2 nghĩa là “họ đang khiến cuộc sống của chính mình trở nên tồi tệ hơn".

Xem thêm >> Nghiên cứu: Người nhiễm Omicron có thể tăng khả năng miễn dịch trước biến chủng Delta

Tin mới lên