Tài chính quốc tế

Nga: Nhiều nước muốn sở hữu tên lửa S-400 bất chấp rào cản từ Mỹ

(VNF) - Nga tự tin vào sức hấp dẫn của hệ thống tên lửa phòng không S-400 dù bất cứ nước nào ngỏ ý muốn mua hệ thống này đều vấp phải sự phản đối của Mỹ.

Nga: Nhiều nước muốn sở hữu tên lửa S-400 bất chấp rào cản từ Mỹ

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Phát biểu trước báo giới ngày 23/7, giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev cho biết hợp đồng bán “rồng lửa” S-400 cho Thổ  Nhĩ Kỳ đang được thực hiện, giai đoạn bàn giao đầu tiên sẽ kết thúc trong tuần này. Đồng thời ông cũng bày tỏ sự “biết ơn” trước sự quyết tâm của các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

“Có một thực tế là tên lửa phòng không S-400 rất tốt. Tôi có thể nói rằng số lượng quốc gia muốn mua hệ thống phòng không tầm xa S-400 không suy giảm”, ông Shugaev nhấn mạnh.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Moscow đang bàn giao hệ thống S-400 đầu tiên trong hợp đồng 2,5 tỷ UDS cho Ankara bất chấp sự phản đối gay gắt từ Washington.

Nhà Trắng ngày 17/7 xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nêu rõ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã khiến cho việc Ankara tiếp tục tham gia vào chương trình máy bay F-35 là bất khả thi.

Theo bà Grisham, máy bay F-35 do Mỹ chế tạo "không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo, sẽ được sử dụng để tìm hiểu về những năng lực tiên tiến loại máy bay này, và điều này sẽ gây bất lợi đối với khả năng tương tác của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO.

Mỹ dường như cũng đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD được ký từ năm 2018.

Mỹ nhìn nhận ý định của Ấn Độ muốn mua hệ thống phòng không S-400 “có chút vấn đề”, nên các quan chức Washington đang làm việc với quân đội Ấn Độ tìm cách thuyết phục quốc gia châu Á này thay đổi ý định.

Theo Sputnik, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia Trung Đông có quan hệ gần cận với Mỹ như Arab Saudi, Qatar và Iraq cũng bày tỏ mong muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga hồi cuối tháng 6 tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận bán S-400 cho Iran bởi hệ thống này không nằm trong danh sách cấm và hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) là tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm xa thế hệ thứ 4, được Nga bắt đầu phát triển năm 1993. Đây là hệ thống kế thừa của S-200 và S-300, đi vào hoạt động năm 2007.

Radar của hệ thống có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km và cao 40-50km, có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Đáng chú ý, S-400 có thể bắn hạ 80 máy bay cùng lúc chỉ trong một lần khai hỏa.

Một tổ hợp S-400 được trang bị 4 loại tên lửa khác nhau, đủ sức tiến công tới 36 mục tiêu cùng lúc. Đạn 40N6 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 400 km và độ cao 30 km, trong khi tên lửa cỡ nhỏ như 9M96 được thiết kế để đánh chặn khí tài bay sát mặt đất như tiêm kích và tên lửa hành trình, đạt tầm bắn tối đa 120 km.

Xem thêm >> Đàm phán bế tắc, EU dọa áp thuế lên gần 40 tỷ USD hàng Mỹ

Tin mới lên