Tài chính quốc tế

Nga siết nguồn cung, giá khí đốt trung bình ở châu Âu tăng gần 50% trong tháng 7

(VNF) - Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn dữ liệu của Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London cho biết giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong tháng 7 đã tăng gần 50%, từ mức 1.180 USD/1.000m3 hồi tháng 6 lên 1.805 USD/1.000m3.

Nga siết nguồn cung, giá khí đốt trung bình ở châu Âu tăng gần 50% trong tháng 7

Giá khí đốt trung bình ở châu Âu tăng gần 50% trong tháng 7.

Cũng theo dữ liệu từ ICE, các hợp đồng khí đốt tương lai (giao hàng sớm nhất vào tháng 8 và tháng 9) được giao dịch trong khoảng 1.530-2.385USD/1.000 m3 vào tháng 7. Tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái, giá chỉ ở mức dưới 500USD/1.000 m3.

Ông Alexander Amiragyan, Giám đốc Cơ quan Năng lượng và Nhiên liệu Nga, cho rằng mức giá hiện tại là do một số yếu tố gây ra, bao gồm sự suy giảm nguồn cung từ Nga và sự không chắc chắn về triển vọng phục hồi từ nguồn cung này. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng ở châu Âu cũng như việc giảm sản xuất năng lượng từ các nguồn thay thế cũng ảnh hưởng đến việc tăng giá khí đốt.

Ông Amiragyan đồng thời nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa người tiêu dùng châu Âu và châu Á đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường thế giới, cũng như việc Nga siết nguồn cung có thể tiếp tục đẩy giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng cao.

“Giá khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) rất nhạy cảm với kỳ vọng cung cấp khí đốt của Nga, do đó, động lực giá sẽ được xác định bởi tình hình nguồn cung”, ông Amiragyan nói.

Nhà phân tích gợi ý rằng trong kịch bản hạn chế mạnh nguồn cung cấp khí đốt từ Nga (ví dụ như thông qua Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) hoặc qua Ukraine), giá nhiên liệu xanh ở EU có thể "cao hơn nhiều so với mức đỉnh lịch sử".

Tuy nhiên, tác động này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là ngành công nghiệp, sẽ phải giảm mạnh mức tiêu thụ khí đốt của họ.

Ông Ronald Smith, Chuyên gia phân tích cấp cao tại BCS Global Markets, thì nhấn mạnh rằng thị trường khí đốt châu Âu đang thiếu hụt nguồn cung cơ bản và giá bán buôn có thể tăng đáng kể vào cuối tháng 10 tới, khi thời tiết bắt đầu lạnh hơn.

Cũng theo ông Smith, nhiều người tiêu dùng ở châu Âu đã được bảo vệ phần lớn khỏi việc tăng giá khí đốt bởi sự can thiệp và trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng này không thể tiếp diễn lâu.

Trước đó, 12 quốc gia thành viên của EU đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt từ Nga. Tiếp đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa gia tăng áp lực với EU khi tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc còn 33 triệu m3/ngày. So với mức công suất 167 triệu m3/ngày trước đó, con số này chỉ tương đương 20%.

Điều này khiến cho giả thuyết về một mùa đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già.

Xem thêm >> OPEC nói thị trường dầu mỏ ‘hỗn loạn’, tuyên bố không cạnh tranh xuất khẩu với Nga

Tin mới lên