Tài chính quốc tế

Nga ‘siết’ nguồn cung qua Dòng chảy phương Bắc, giá khí đốt châu Âu lại tăng dựng đứng

(VNF) - Việc Nga giảm mạnh lượng khí đốt đi qua đường ống chủ chốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) dẫn tới Đức đã lập tức tác động lên giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu.

Nga ‘siết’ nguồn cung qua Dòng chảy phương Bắc, giá khí đốt châu Âu lại tăng dựng đứng

Giá khí đốt tại châu Âu lại tiếp tục tăng vọt sau khi Nga “siết nguồn cung”.

Giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu đã tăng hơn 15% trong phiên giao dịch ngày 14/6 sau thông tin Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom đã giảm lượng khí đốt cung cấp tới Đức qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.

Theo Gazprom, lý do là vì công ty Siemens của Đức không trả lại kịp thời các máy nén khí (GCU) sau khi sửa chữa. Gazprom cho biết tổng lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc chỉ có thể đảm bảo khối lượng tối đa 100 triệu m3/ngày so với kế hoạch là 167 triệu m3/ngày. Điều này đồng nghĩa Nord Stream chỉ vận hành ở mức 40% công suất.

Tiếp đó, Gazprom lại thông báo từ 1h30 ngày 16/6 (theo giờ Moscow), sản lượng hàng ngày của trạm nén khí Portovaya sẽ giảm thêm 33% còn 67 triệu m3/ngày do đang dừng hoạt động một động cơ tua bin khí do vấn đề kỹ thuật.

Trong phản ứng đưa ra mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức nói rằng động thái của Gazprom là "một quyết định chính trị chứ không chính đáng về mặt kỹ thuật".

Giá khí đốt tại châu Âu lại tiếp tục tăng vọt sau khi Nga “siết nguồn cung”. Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn trên trung tâm giao dịch TTF có trụ sở tại Hà Lan đã tăng gần 25% lên hơn 1.300 USD/1.000 m3.

Một nguyên nhân khác tác động tới giá khí đốt châu Âu là vì Freeport LNG, cảng chiếm 1/5 tổng lượng xuất khẩu khí hoá lỏng của Mỹ và 10% nhập khẩu LNG của châu Âu trong năm nay, mới đây thông báo việc gián đoạn hoạt động để sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy vào tuần trước có thể kéo dài đến cuối năm. Một phần hoạt động của cảng chỉ có thể nối lại sau 90 ngày. Sự cố này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 14% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ.

Ở động thái liên quan, Tập đoàn năng lượng Eni của Italy ngày 15/6 cho biết Gazprom đã cắt giảm 15% lượng khí đốt cấp cho Italy trong ngày 15/6 và Eni hiện chưa nhận được thông báo về lý do dẫn quyết định trên.

Italy là nước nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Đức. Italy cũng đã chấp thuận cơ chế thanh toán khí đốt bằng đồng ruble mà Nga đưa ra, song khẳng định vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Xem thêm >> Ông Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Nga về 'chủ quyền và an ninh'

Tin mới lên