Tài chính quốc tế

Nga tiếp tục giáng đòn trừng phạt lên Ukraine giữa tâm bão căng thẳng

(VNF) - Vừa ký sắc lệnh nới rộng các lệnh trừng phạt kinh tế với hơn 245 cá nhân cùng 7 doanh nghiệp Ukraine, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 29/12 tiếp tục ban hành sắc lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Ukraine vào Nga có giá trị khoảng 510 triệu USD.

Nga tiếp tục giáng đòn trừng phạt lên Ukraine giữa tâm bão căng thẳng

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Medvedev cho biết “đây là biện pháp đáp trả các lệnh hạn chế của Ukraine".

Theo Văn phòng Báo chí của Chính phủ Nga, sắc lệnh vừa ký cấm nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine hoặc vận chuyển qua Ukraine vào Nga.

Danh sách được công bố bởi chính phủ Nga vào ngày 29/12 bao gồm chủ yếu các mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp, mặt hàng nguyên liệu thô và thực phẩm. Các sản phẩm nằm trong lệnh cấm là lúa mì, dầu hướng dương, kẹo, sô cô la, bánh mì, rau, trái cây, bia, trứng cá muối...

Lệnh trừng phạt cũng nhằm vào động cơ, máy phát điện, máy kéo, tua bin và một số thiết bị, hàng hóa khác.

Trước đó, Nga cũng đã có sắc lệnh cấm nhập khẩu bia, rượu vodka, nước hoa quả và nhiều mặt hàng khác từ Ukraine.

Theo Bộ Kinh tế Nga, các mặt hàng của Ukraine bị Nga cấm nhập khẩu có giá trị khoảng 510 triệu USD mỗi năm.

Ukraine hiện đã gửi công hàm phản đối lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì hành động của Nga đối với đồ uống và đồ ngọt của nước này.

Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 25/12 đã ký sắc lệnh nới rộng các lệnh trừng phạt kinh tế với hơn 245 cá nhân cùng 7 doanh nghiệp Ukraine.

Theo ông Medvedev, các lệnh trừng phạt được đưa ra để "bảo vệ các lợi ích của chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nga". Theo đó, tài sản của những đối tượng này sẽ bị đóng băng tại Nga.

Trong số các doanh nghiệp bị trừng phạt theo sắc lệnh này có các công ty về hậu cần, bảo hiểm, năng lượng, quốc phòng, tập đoàn bảo hiểm TAS…

Từ trái sang: tàu Nikopol, tàu Berdyansk, tàu Yany Kapu của Hải quân Ukraine bị kéo về cảng Kerch.

Những cá nhân bị trừng phạt bao gồm người đứng đầu Cục tình báo-Bộ Quốc phòng Ukraine Vasily Burba, thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Sergei Yarovoy, Thị trưởng của thành phố Odessa Gennady Trukhanov, cũng như một số đại biểu của Quốc Hội Ukraine…

Quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine hồi năm 2014. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc Moscow hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.

Mới đây, tình trạng căng thẳng tiếp tục leo thang sau khi Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) ngày 25/11 xác nhận các tàu của hải quân nước này đã dùng vũ khí chặn và bắt giữ bộ ba tàu Ukraine có hành vi xâm phạm lãnh hải Nga ở gần Crimea một cách bất hợp pháp.

Trong khi đó, Ukraine cáo buộc tàu Nga nổ súng khi ba tàu của họ đã rút khỏi khu vực cách lãnh hải Nga 20 km.

Phía Ukraine đã nhiều lần đưa ra cáo buộc rằng Nga đang lợi dụng căng thẳng ở khu vực này nhằm hạn chế hàng hải của Ukraine trên phần biển chủ quyền và có mưu đồ thâu tóm toàn bộ biển Azov.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã gọi những cáo buộc này là "lố bịch". Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Moscow chỉ muốn kiểm soát an ninh của mình và đề phòng các động thái leo thang, gây phức tạp trong khu vực từ phía Ukraine.

Xem thêm >> Iran: Mỹ đã tiêu tốn 7.000 tỷ USD tại Syria mà chẳng có tác dụng gì

Tin mới lên