Ngân hàng

Ngân hàng 0 đồng: Âm vốn ngày càng nặng, có thể tiếp tục lỗ thêm hàng nghìn tỷ

(VNF) – Kiểm toán Nhà nước cho biết, 3 ngân hàng 0 đồng hiện đang tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng, nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng 0 đồng: Âm vốn ngày càng nặng, có thể tiếp tục lỗ thêm hàng nghìn tỷ

Các ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục thua lỗ

Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây, KTNN đã có báo cáo về kết quả tái cơ cấu lại 3 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng; Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu).

Kết quả kiểm toán cho thấy, sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng trên vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng, nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Trước đó, nhiều vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng đã được KTNN chỉ ra. Báo cáo kiểm toán đã được KTNN phát hành cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao. Theo đó, nợ xấu của hệ thống TCTD đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại Công ty quản lý tài sản VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các TCTD bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp, tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 là 22.902 tỷ đồng, chỉ chiếm 10,4% dư nợ đã mua.

Cùng với đó, hầu hết các TCTD được kiểm toán còn có tình trạng phân loại nhóm nợ chưa đúng quy định của NHNN, trích thiếu dự phòng rủi ro tín dụng; nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông (Agribank), năm 2015 trích thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.848,7 tỷ đồng.

Các NHTM được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Ngoài ra, một số TCTD có hoặc tình hình tài chính rất yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt (trong đó có 3 ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng là CBBank, GPBank, OceanBank); nhiều ngân hàng thương mại tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp (ACB, Eximbank, Sacombank, CBBank, GPBank, OceanBank).

Đối với vấn đề sở hữu chéo, Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng cho thấy nhiều ngân hàng vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đến hết năm 2015, toàn hệ thống vẫn còn 3 cặp ngân hàng sở hữu lẫn nhau; 6 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần các TCTD khác, chưa đáp ứng quy định pháp luật.

Tình trạng đứng tên hộ cá nhân, đơn vị sở hữu ngân hàng bị phát hiện qua thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, vi phạm điều 55 Luật các TCTD và Thông tư 36.

Cụ thể, 7 TCTD có cổ đông là các tổ chức kinh tế sở hữu cổ phần trên 15% vốn điều lệ; 4 TCTD có cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD; 8 cặp sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tại các TCTD và 8 NHTM nắm giữ cổ phần hơn 2 TCTD khác.

Tin mới lên