Ngân hàng

Ngân hàng, công ty bất động sản 'đua' phát hành trái phiếu

(VNF) - Gần 2/3 trong số gần 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong nửa đầu năm 2019 là thuộc về các ngân hàng và các công ty bất động sản.

Ngân hàng, công ty bất động sản 'đua' phát hành trái phiếu

Ngân hàng, công ty bất động sản 'đua' phát hành trái phiếu

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), 6 tháng đầu năm 2019, đã có 68.747 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó nhóm ngành ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt 36,8% và 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu, đạt 25.700 tỷ đồng, trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn cấp II của các ngân hàng tăng cao nhằm nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức 8% theo quy định của thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Ngân hàng ACB đứng đầu với 6.850 tỷ đồng trái phiếu phát hành, với mức lãi suất cố định từ 6,7 – 6,8%/năm, kỳ hạn 3 năm, thanh toán 1 năm/lần. Đứng thứ 2 là VPBank với 5.900 tỷ đồng trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 6,4% - 6,9%.

Các ngân hàng khác cũng phát hành trái phiếu có thể kể đến như LienVietPostBank, SeABank, BacABank, OCB, HDBank, VIB, ABBank.

Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 19.749 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm.

Đây là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp do thời gian tới Ngân hàng Nhà nước chủ trương thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của tổ chức tín dụng từ 45% dần về mức 30% trong năm 2021/2022.

Lãi suất trái phiếu phát hành bởi các công ty bất động sản khá cao, phổ biến trên 10%/năm. Trong đó, trái phiếu của Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất cao nhất lên đến 14,5%/năm.

Trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, có kỳ hạn từ 1 năm đến 10 năm (CII), phổ biến là kỳ hạn 2 năm.

Nửa đầu năm 2019, các công ty chứng khoán cũng tích cực huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành 5.336 tỷ đồng. Lãi suất thường dưới 10%/năm.

Huy động với khối lượng nhiều nhất là công ty chứng khoán VNDirect với 1.460 tỷ đồng, kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, lãi suất dao động từ 9,5% đến 11,3%/năm. Theo sau là công ty chứng khoán SHS và công ty chứng khoán VDSC với lượng huy động lần lượt là 700 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.

Các công ty khác huy động lượng vốn lớn qua trái phiếu có thể kể đến như Công ty Cơ điện lạnh (REE) với 2.320 tỷ đồng (kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,3%/năm), Công ty Tài nguyên Masan với 1.500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10%/năm), Công ty Đầu tư Helios với 1.500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, lãi suất 8,5%/năm)...

Tin mới lên