Tài chính

Ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế: Bí mật trong phạm vi nào?

Cơ quan thuế đã cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau như bán hàng trên mạng xã hội, trên tivi, các cá nhân cung cấp dịch vụ cho Youtube, Google nhưng số tiền thuế thu được chưa nhiều.

Ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế: Bí mật trong phạm vi nào?

Ảnh minh hoạ.

Một loạt câu hỏi được đặt ra về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong quản lý thuế như việc các đơn vị này phải cung cấp số hiệu tài khoản khách hàng hay có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế cho tổ chức, cá nhân nước ngoài ra sao?

Nghe dễ, thực hiện mới khó

Góp ý về dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi trong hội nghị sáng 14/5, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính dẫn dự thảo có đề xuất: Các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản.

Ông đặt ra nghi vấn, quy định trên có đồng nghĩa các ngân hàng không có trách nhiệm cung cấp các giao dịch thanh toán?

Vị chuyên gia thừa nhận cần đảm bảo bí mật với khách hàng của các ngân hàng thương mại nhưng ông nhấn mạnh "bí mật nhưng phạm vi nào?" Theo ông, giao dịch của người nộp thuế nào cơ quan thuế nghi ngờ thì ngân hàng hoàn toàn có thể cung cấp thông tin.

Cũng về trách nhiệm với ngân hàng thương mại trong quản lý thuế, dự thảo có nêu nội dung: ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Riêng về nội dung này, theo bà Hương Vũ, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam, "nghe thì dễ nhưng thực hiện khó".

Bà cho rằng đây không phải vấn đề lần đầu đưa ra nhưng điều khó là các ngân hàng thương mại không có chuyên môn thuế để biết khấu trừ như thế nào.

"Có giao dịch mà chính nhà làm chính sách cũng suy đi nghĩ lại, nghiên cứu mới đưa ra tỷ lệ khấu trừ sao cho hợp lý," bà nói.

Nếu đề xuất ngân hàng thương mại khấu trừ như trong dự thảo Luật Quản lý thuế, theo đại diện Ernst & Young Việt Nam, nghị định và thông tư phải thật rõ ràng. Điều này nhằm tránh việc các ngân hàng thương mại gây khó cho nhà đầu tư.

"Một mình ngành thuế không làm được"

Tổng kết lại, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng hiện thương mại điện tử chưa được quản lý tốt. Bà lấy ví dụ về việc cơ quan thuế đã cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau như bán hàng trên mạng xã hội, trên tivi, các cá nhân cung cấp dịch vụ cho Youtube, Google,.. nhưng số tiền thuế thu được chưa nhiều.

Nguyên nhân theo bà bởi cơ quan chức năng chưa quản lý được luồng tiền và không nắm chắc được giao dịch ngân hàng.

Theo bà, hiện tại, phía ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các trường hợp vi phạm, trốn lậu thuế còn những tài khoản khác, cơ quan thuế không nắm được dù rằng có thể các tài khoản này được Google, Youtube trả hàng chục tỷ đồng.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn đảm bảo bí mật với người nộp thuế.

Không chỉ về phía ngân hàng, bà Cúc cũng đặt ra thêm nghi vấn, với nhiều trường hợp người bán giao hàng tận nơi thu tiền mặt thì làm sao quản lý được? Hoặc có trường hợp giao dịch trên mạng xong xóa lịch sử giao dịch đi thì phải phục hồi dữ liệu ra sao?

Điều bà muốn đặt ra là một mình ngành thuế không làm được mà phải phối hợp với các đơn vị chức năng khác ví dụ như cơ quan an ninh mạng.

"Ta đưa ra việc các đơn vị cùng chung tay nhưng phải có chức năng, công cụ mới làm được. Việc này cần Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, các tổ chức tín dụng để làm sao xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm được thông tin người nộp thuế," bà Cúc nói.

Tin mới lên