Ngân hàng

Ngân hàng đua phát hành trái phiếu

Trong hơn một tháng trở lại đây, các ngân hàng đang liên tục huy động vốn từ thị trường thông qua hoạt động phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều tiền gửi.

Ngân hàng đua phát hành trái phiếu

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu từ đầu tháng 5 đến nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong hơn một tháng trở lại đây, các ngân hàng đang liên tục huy động vốn từ thị trường thông qua hoạt động phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều tiền gửi.

Đầu tháng 6, BIDV cho biết đã phát hành thành công ra thị trường 700 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 6,2%/năm, lãi các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu (lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cộng biên độ 0,6%/năm.

Trong đó, ngân hàng có quyền mua lại trái phiếu vào ngày 3/6/2023, nếu không, biên độ lãi suất với trái phiếu sẽ tăng lên 3,1%.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, là nợ thứ cấp của BIDV và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng.

Trái phiếu nhà băng đắt hàng

Đáng chú ý, với các điều kiện trên, đã có một tổ chức đã đứng ra mua trọn lô trái phiếu này. Trong đó, BIDV cho biết bên mua không phải ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư hay công ty bảo hiểm.

Trước đó, cũng chính BIDV cho biết một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã mua trọn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng phát hành ngày 20/5 của ngân hàng. Đây cũng là trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 6,33%/năm và các năm sau là lãi tham chiếu cộng biên độ 0,75%/năm.

Tương tự với lô 700 tỷ đồng với phát hành đầu tháng 6, BIDV cũng được quyền mua lại lô trái phiếu này trước hạn nhưng nếu không mua lại, lãi suất sẽ bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 3,25%.

Tính trong cả tháng 5, riêng BIDV đã phát hành thành công 1.800 tỷ đồng trái phiếu. Ngoài lô 1.000 tỷ kỳ hạn 7 năm thì ngân hàng còn một lô trái phiếu 800 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm, lãi suất cố định 6,9%/năm.

Cũng trong tháng 6, SHB cho biết đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm ra thị trường với lãi suất 3,8%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của ngân hàng.

Bên mua toàn bộ lô trái phiếu này là 2 công ty chứng khoán trong nước.

Giữa tháng 5 trước đó, SHB cũng phát hành được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm cho 2 công ty chứng khoán, lãi suất cũng là mức cố định 3,8%/năm.

HDBank ngày 2/6 cũng thông báo đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 7,775%/năm và các kỳ thanh toán sau bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,2%.

Đây được xem là mức lãi suất cao nhất mà một ngân hàng niêm yết cho trái phiếu từ đầu năm đến nay. Trong đó, bên mua toàn bộ lô trái phiếu của HDBank là một tổ chức tín dụng trong nước.

Ngân hàng đua phát hành trái phiếu

Thực tế, báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết ngân hàng đã vượt mặt doanh nghiệp bất động sản để trở thành nhóm có giá trị phát hành lớn nhất thị trường tháng 5.

Riêng tháng 5, thị trường ghi nhận 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 28.140 tỷ đồng.

Trong đó, riêng nhóm ngân hàng đã phát hành 18.485 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với nhóm xếp sau là các doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành 4.950 tỷ đồng trong tháng.

Tính trong 2 tháng đầu quý II, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng trái phiếu ra thị trường. Số này bao gồm 5.574 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại phần lớn là trái phiếu thường kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất 3,7-4,2%/năm.

Một số ngân hàng có lượng phát hành lớn từ đầu quý II đến nay phải kể tới: VPBank với 15 đợt phát hành huy động 8.900 tỷ đồng; TPBank huy động 5.000 tỷ thông qua 6 đợt phát hành; ACB huy động 5.000 tỷ qua 3 đợt phát hành; VIB huy động 4.000 tỷ đồng

Theo báo cáo đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của SSI Research, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán đã khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Kéo theo xu hướng này là lãi suất trái phiếu bất động sản cao hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, trái phiếu của các ngân hàng thường không có tài sản đảm bảo, lãi suất thấp hơn nhưng vẫn ghi nhận thanh khoản cao do được đánh giá có độ an toàn cao nhất vì hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Thậm chí, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm của các ngân hàng hiện chỉ vào khoảng 3,7-4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức xấp xỉ 6%/năm tại hầu hết ngân hàng cỡ lớn và 6,5%/năm với các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ hiện nay.

Tin mới lên