Ngân hàng

Ngân hàng ‘hút khách’ thông qua nền tảng số

Trong bối cảnh các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 thì việc kích cầu thông qua nền tảng số vẫn đang được nhiều ngân hàng triển khai mạnh mẽ.

Ngân hàng ‘hút khách’ thông qua nền tảng số

Ngân hàng ‘hút khách’ thông qua nền tảng số

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, BIDV đặt mục tiêu năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng huy động vốn từ 12 -15%; tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao dự kiến từ 10 - 12%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng.

Để góp phần đạt được mục tiêu trên, BIDV tiếp tục triển khai chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế.

VietinBank vừa qua đã ra mắt phiên bản VietinBank iPay Mobile 5.1 nhằm phục vụ khách hàng mọi dịch vụ trên Mobile từ việc mở thẻ, chuyển tiền, mua sắm... VietinBank cũng có kế hoạch xây dựng ứng dụng “chatbot” “đa nhiệm” hơn.

Tương tự, MSB đang triển khai TNEX - ngân hàng thuần số và hệ sinh thái cho chủ cửa hàng và người tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam. Dự kiến, TNEX bắt đầu đem lại lợi nhuận cho ngân hàng từ quý II/2022 và đạt 3 triệu khách hàng vào năm 2023.

Ngoài TNEX, MSB cũng dự kiến sẽ khởi động nhiều dự án lớn trong năm 2021 như đầu tư xây dựng nền tảng ngân hàng lõi (Core-Banking) hiện đại hơn để phục vụ cho lộ trình chuyển đổi số cho giai đoạn 2020 - 2025.

Đề cập về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Phó tổng Giám đốc VIB khẳng định: Ngân hàng nào sử dụng hạ tầng ngân hàng số tốt, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, chuyển tiền lại không mất phí... có thể thu hút khách hàng tốt.

“Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá thành. Vì vậy, để khuyến khích khách hàng sử dụng, điều đầu tiên các ngân hàng tính đến là chính sách phí 0 đồng. Hiện tại đa phần các ngân hàng đưa phí giao dịch thanh toán về bằng 0. Khi mà tất cả giá về bằng 0 thì đến cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Do đó, thời gian tới cuộc chạy đua cả về chất và lượng chắc chắn sẽ gay gắt. Nhưng tôi cho rằng, môi trường cạnh tranh cũng là điều tích cực, vì có gay gắt mới thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ và người tiêu dùng mới được hưởng lợi", ông Lê Quang Trung cho biết.

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên toàn cầu. Đặc biệt với ngành ngân hàng, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng trưởng đột biến.

"Hầu hết khách hàng hiện nay đều là những người trẻ tuổi đam mê công nghệ và đều đang sử dụng công nghệ số cho những giao dịch và thanh toán của mình. Do vậy, chuyển đổi số trong ngân hàng là yêu cầu tất yếu để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng thời đại mới", ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Trong vòng 3 - 5 năm tới, khoảng 83% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; 58% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và hơn 44% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%.

Tin mới lên