Ngân hàng

Ngân hàng lạc quan nhìn về 2016

(VNF) - Kết thúc năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và các đồng sự có thể xoa tay hài lòng vì những thành tựu ấn tượng trong điều hành, trong khi tổng thể nền tài chính – tiền tệ quốc gia vẫn vận hành khá trơn tru.

Ngân hàng lạc quan nhìn về 2016

2015: Một năm "êm ả"

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng những kết quả đạt được trong năm 2015 khẳng định kinh tế vĩ mô của đất nước đã được củng cố vững chắc hơn một bước, điều đó cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù năm 2015 là năm thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động như việc điều chỉnh tỷ giá và sự kiện sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và ảnh hưởng từ những bất ổn trên biển Đông.

Mặc dù khó khăn như vậy nhưng kinh tế vĩ mô, công tác điều hành tiền tệ, thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá điều chỉnh phù hợp, linh hoạt đã đảm bảo được sự ổn định của kinh tế vĩ mô; đồng thời khẳng định tính đúng đắn của những chính sách điều hành tiền tệ. "4 năm qua lạm phát luôn được kiểm soát ở mức độ thấp, tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế đạt được những chỉ tiêu vĩ mô khác.Trên cơ sở đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng có nhiều thuận lợi, vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", ông nói.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, năm 2015, mặt bằng lãi suất đã được đưa về mức được đánh giá là tốt nhất cho quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế được phục hồi, trên cơ sở đó, kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua (gần 6,7%). Cũng nhờ sự phục hồi của kinh tế diễn ra đồng đều qua tất cả các quý của năm 2015, nên tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng ngay từ đầu năm (theo thống kê, tín dụng năm 2015 khoảng 18%) và đây là mức nằm trong kế hoạch dự kiến trước của Ngân hàng Nhà nước và cũng phù hợp với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng mặc dù tình hình chung khá "êm ả", song shính sách tiền tệ chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất. Lãi suất bắt đầu chịu sức ép từ năm 2015 do cầu về tín dụng tăng cao hơn năm 2014. Tín dụng tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2015, cao hơn hẳn mức 14,2% trong năm 2014 và lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng tăng từ tháng 3/2015 và chưa có dấu hiệu giảm tính đến cuối năm 2015 cũng là những điểm cần lưu ý.

2016: Tiếp tục thông điệp ổn định

Nói về kế hoạch hoạt động năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, về lạm phát, từ những kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô, những dư địa từ yếu tố bên ngoài còn rất ít. Về giá cả, một số mặt hàng thiết yếu được Nhà nước quản lý đang trong lộ trình tiếp tục điều chỉnh theo cơ chế thị trường là những yếu tố có thể làm mặt bằng giá cả và lạm phát có khả năng tăng trở lại vào năm 2016 và những năm tiếp theo. Từ góc độ đó, để tiếp tục kiềm chế lạm phát cần có biện pháp kịp thời, nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới và những vấn đề phát sinh tại Việt Nam.

Thống đốc cũng khẳng định dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định kiềm chế lạm phát ở mức mà Quốc hội đã thông qua ở mức dưới 5% trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nếu có điều kiện thì lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm hơn nữa để hỗ trợ cho đầu tư, phát triển.

Về tỷ giá, năm 2016 sẽ tiếp tục có áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tiếp tục giữ vững sự ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như tỷ giá của đồng Việt Nam. Một loạt biện pháp đang được Ngân hàng Nhà nước hoạch định và dần đưa vào theo đúng lộ trình, diễn biến của kinh tế vĩ mô để đảm bảo các mục tiêu đó. Còn về tăng trưởng tín dụng, mặc dù nhu cầu tăng trưởng tín dụng của năm 2016 và những năm tiếp theo là rất lớn nếu không kiểm soát, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ lên đến mức 25% trong năm 2016. Nhưng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, cũng như chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát ở mức dưới 20%. Những biện pháp này sẽ vẫn đảm bảo sự lành mạnh của phát triển kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng lành mạnh hơn, vững chắc hơn, có thể "chống chọi" được với những tác động bất lợi từ bên ngoài cũng như từ nội tại của nền kinh tế.  Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, về cân đối ngoại tệ và tỷ giá, trong năm 2016, cán cân thanh toán có một số thuận lợi như đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016; đầu tư gián tiếp nước ngoài dự báo cũng tăng trong năm 2016 do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; kiều hối ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2015 và dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu; xu hướng mất giá (so với USD) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.

Tổng hợp các yếu tố trên UBGSTCQG dự báo năm 2016, có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại… Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, nền kinh tế đang có những yếu tố thuận lợi nhất định để có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn.

Tin mới lên