Ngân hàng

Ngân hàng lớn ‘được mùa’ huy động vốn rẻ

(VNF) - Báo cáo tài chính mới nhất của cả 3 ngân hàng lớn Vietcombank, VietinBank và BIDV đều cho thấy năm 2017 là năm mà các ngân hàng này "được mùa" huy động vốn rẻ.

Ngân hàng lớn ‘được mùa’ huy động vốn rẻ

Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và tiền gửi khách hàng không kỳ hạn tăng đáng kể ở các ngân hàng lớn trong năm 2017

Năm 2017, một lượng lớn vốn rẻ từ Kho bạc Nhà nước, hệ thống ngân hàng và dân cư đã "chảy" mạnh vào 3 ngân hàng lớn: Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, đến hết năm 2017, cơ cấu tiền gửi giá rẻ đã chiếm đến gần 50% trong tổng huy động vốn của Vietcombank. "Điều đó tạo cơ sở để Vietcombank có điều kiện giảm thấp nhất mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng", ông Nghiêm Xuân Thành cho hay.

Nhìn sơ bộ thông qua báo cáo tài chính cũng có thể thấy ngay lợi thế này của Vietcombank.

Tính đến hết năm 2017, Vietcombank có tới 200.989 tỷ đồng tiền gửi khách hàng không kỳ hạn, chiếm đến 28,4% tổng tiền gửi khách hàng – tỷ lệ cao hàng đầu trong hệ thống ngân hàng.

Xét về vốn vay liên ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức tín dụng tại Vietcombank lên đến 51.968 tỷ đồng, chiếm tới 77,6% tổng vốn vay liên ngân hàng.

Đặc biệt, tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank đạt con số khổng lồ 165.081 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2016 nhờ việc "ôm trọn" thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.

Lượng nguồn vốn giá rẻ này có thể coi là lợi thế lớn nhất, vượt trội nhất của Vietcombank. Trong bối cảnh các ngân hàng phải đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, lợi thế này càng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết.

Tuy quy mô và chất lượng không được như Vietcombank nhưng với 2 "người anh em" VietinBank và BIDV, năm 2017 vẫn là năm thành công với 2 ngân hàng này xét trên khía cạnh huy động vốn rẻ.

Cả 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều "được mùa" huy động vốn rẻ, trong đó Vietcombank "được mùa" nhất

Với VietinBank, tính đến hết ngày 31/12/2017, Kho bạc Nhà nước đã gửi 11.099 tỷ đồng vào ngân hàng này, trong khi cùng thời điểm năm 2016, con số này chỉ vỏn vẹn 190 triệu đồng. Đây là khoản vốn rẻ mà ngân hàng nào cũng "khao khát", nhưng thường chỉ xuất hiện ở các ngân hàng gốc quốc doanh.

Bên cạnh tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại VietinBank cũng tăng mạnh trong năm qua. Xét về giá trị tuyệt đối, tiền gửi liên ngân hàng không kỳ hạn tính đến hết 31/12/2017 của VietinBank lên đến 41.701 tỷ đồng, tăng tới 73% sau một năm. Về giá trị tương đối, lượng tiền gửi này chiếm 36% tổng tiền gửi liên ngân hàng, tăng 8 điểm% so với cùng kỳ 2016 – một mức tăng rất mạnh.

Tiền gửi khách hàng không kỳ hạn cũng gây ấn tượng mạnh khi tăng 34%, đạt 115.407 tỷ đồng; chiếm 15,3% tổng tiền gửi khách hàng, tăng 2 điểm% sau một năm.

Với BIDV, ngân hàng này hưởng lợi lớn từ lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước lên đến 59.465 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm cuối năm 2016.

Song song, lượng tiền gửi khách hàng không kỳ hạn cũng tăng mạnh 28,2%, đạt 160.205 tỷ; chiếm 18,6% tổng tiền gửi khách hàng, tăng 1,6 điểm% sau một năm.

Tin mới lên